Dòng sự kiện:
'Nắn' dòng kiều hối đúng hướng
21/09/2019 15:08:21
Trong những năm gần đây, dòng kiều hối về Việt Nam không ngừng gia tăng. Đây là một trong những nguồn cung ngoại tệ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, để góp phần vào sự phát triển đó, điều cần quan tâm là làm thế nào để “nắn” dòng kiều hối vào đầu tư có lợi.

Nguồn cung dồi dào

Trong thời gian qua, nhờ sự điều hành tỷ giá ổn định nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào dự trữ ngoại hối có thể lên tới trên 60 tỷ USD. Hiện nguồn cung ngoại hối đến từ 4 nguồn là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thặng dư thương mại, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) và nguồn ngoại tệ do kiều bào ở nước ngoài chuyển về (gọi là kiều hối). Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2018, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD. Cơ quan này dự báo năm 2019, lượng kiều hối tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam.

Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở, bởi lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm, địa bàn đã có 3,65 tỷ USD kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng. Ước tính cả năm 2019, tổng lượng kiều hối chuyển về TPHCM sẽ đạt 5,6 tỷ USD - tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, trong những năm gần đây, dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP. Mặc dù nếu so với tỷ trọng xuất khẩu thì nguồn thu ngoại tệ từ kiều hối là không lớn, nhưng nếu so với giá trị thặng dư thương mại thì đây lại là con số lớn hơn nhiều. Bởi trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam có mức thặng dư đạt 2,93 tỷ USD. Thậm chí, nếu so sánh giữa con số 11,96 tỷ USD vốn giải ngân FDI trong 8 tháng đầu năm 2019 và 16 tỷ USD lượng kiều hối của năm 2018 cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể.

Theo các chuyên gia, đây là một trong những nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của một bộ phận người dân. Hơn nữa, không như vay ngoại tệ từ nước ngoài, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ không hoàn lại, không lãi suất, không điều kiện, không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận định, cũng như các nguồn thu ngoại tệ khác, kiều hối đổ về càng nhiều thì sẽ giúp đồng nội tệ của Việt Nam mạnh lên, cân đối tài khoản vãng lai cũng như tạo ra các tác động tích cực lên các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Chính vì nhận ra được tầm quan trọng của kiều hối mà chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện cho kiều bào chuyển tiền về, bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy gia tăng đầu tư. Gần đây, một số ngân hàng đã kết hợp với các tổ chức cung cấp giải pháp chuyển tiền thông minh đối với dịch vụ chi trả kiều hối nhằm hút nguồn kiều hối từ nước ngoài về Việt Nam.

Hấp thụ kiều hối hiệu quả

Do lãi suất huy động USD đã được giảm về còn 0% từ mấy năm nay nên lượng kiều hối về Việt Nam đã không còn mục tiêu gửi tiết kiệm lấy lãi, mà chủ yếu chuyển sang đầu tư như: bất động sản, chứng khoán, mua cổ phần hoặc khởi nghiệp… Đặc biệt, những quyết sách của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hội nhập, ưu đãi thuế suất trong kinh doanh, ưu đãi đầu tư… đã giúp nền kinh tế hấp thụ kiều hối hiệu quả và kích thích kiều bào chuyển tiền về mạnh hơn.

Vậy nên, trong các lĩnh vực đầu tư, bất động sản là nơi thu hút rất mạnh lượng kiều hối đổ về, nhất là trong bối cảnh NHNN hạn chế rủi ro cho vay bất động sản. Nguyên nhân là nếu NHNN siết chặt tín dụng bất động sản thì các nhà đầu tư sẽ buộc phải đi tìm nguồn đầu tư thay thế, trong đó có kiều hối. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang có đà khởi sắc hơn, nên các chuyên gia không khỏi lo ngại lượng kiều hối sẽ đổ về nhằm “lướt sóng” bất động sản, nếu không kiểm soát chặt chẽ có thể tạo thành “bong bóng”, tác động tiêu cực tới thị trường. Ngoài ra, nếu các cơ quan nhà nước quản lý lỏng lẻo, ông Đinh Tuấn Minh còn đặt ra lo ngại về hiện tượng “rửa tiền” bằng kiều hối.

Những vấn đề trên cho thấy, muốn “nắn” dòng kiều hối vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hay những hoạt động khác mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước, các cơ quan quản lý phải có thêm những chính sách để tạo niềm tin cho kiều bào và những người thụ hưởng dòng tiền này. Cụ thể là kinh tế vĩ mô phải tiếp tục ổn định, kiềm chế lạm phát, môi trường kinh doanh được thay đổi thông thoáng hơn, nhất quán hơn, nới lỏng các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính… Thực hiện được những vấn đề này, không chỉ thu hút được dòng kiều hối nhiều hơn mà còn giúp kiều hối đổ về những lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế, góp phần tạo đà tăng tích cực cho toàn nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh:

Kiều hối là nguồn tiền của dân nên quyết định đầu tư vào đâu là quyền của họ, phụ thuộc vào việc người dân đặt niềm tin vào lĩnh vực kinh doanh, đầu tư nào.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến