Ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép trang phục CAND
10/10/2014 08:37:13
ANTT.VN – Rất nhiều các đối tượng lừa đảo bị cơ quan công an bắt giữ giả mạo là người trong ngành công an. Ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép trang phục công an nhân dân, cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác.

Giả mạo công an chiếm đoạt tiền tỷ

Trong thời gian gần đây, rất nhiều các đối tượng bị bắt giả mạo là công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Số tiền mà các đối tượng này lừa đảo được có khi lên tới cả trăm triệu. Khi giả danh là Công an, hầu hết các đối tượng đều nhằm mục đích vụ lợi, có được lòng tin của người bị hại, nhằm dễ dàng chiếm đoạt được tài sản. Đối tượng giả danh thường nhằm vào những người đi đường, có hành vi vi phạm Luật Giao thông, các gia đình có con, em đang trong vòng lao lý có nhu cầu cần chạy án. Chúng lợi dụng vào tâm lý lo sợ của người bị hại, rất thiếu cảnh giác, chỉ muốn "xin xỏ" giải quyết nhanh để vòi vĩnh tiền của người bị hại. Hay thậm chí là lợi dụng tâm lý của nhiều gia đình muốn cho con em vào ngành công an làm việc để lừa đảo.

Theo điều tra viên, Trung tá Trương Hồng Thái - Phòng điều tra án kinh tế (Cục điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng) chia sẻ: “Các đối tượng lừa đảo giả mạo là công an và bộ đội trong thời gian gần đây khá nhiều. Chúng thường “nhắm” vào những người đang có nhu cầu xin việc làm, đặc biệt là những người  ở tỉnh xa. Họ có ít thông tin cụ thể và chính xác về tuyển dụng việc làm. Bên cạnh đó, rất nhiều người có học thức thấp nhưng lại có nhu cầu và mong muốn xin về làm tại các cơ quan nhà nước cũng là “nguồn khách hàng” để các đối tượng tiếp cận”.

Đầu năm 2014, Công an TP. Bà Rịa vừa ra quyết định bắt tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Thu Thùy (20 tuổi, tạm trú tại ấp Bắc, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) và Phạm Minh Hiếu (49 tuổi, HKTT tại 136A, khu phố Hương Sơn, phường Long Hương, TP. Bà Rịa) để điều tra làm rõ hành vi giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Nguyễn Thị Thu Thùy và Phạm Minh Hiếu

Qua điều tra ban đầu, Công an TP. Bà Rịa xác định, vào khoảng tháng 8/2013, Thùy tự giới thiệu với bà con hàng xóm mình là cán bộ công an của TP. Bà Rịa, có thể xin việc làm giúp cho nhiều người. Từ đó, thân thế của Thùy nổi lên qua việc truyền miệng của nhiều người ở gần nhà Thùy. Biết chuyện, chị Phan Thị Thanh Thúy, chị Lê Thị Kim Phê và anh Nguyễn Tấn Thành (đều ở huyện Đất Đỏ) đã đến xã Long Phước (TP. Bà Rịa) để tìm gặp và nhờ Thùy giúp đỡ. Thùy ra giá xin việc làm cho cả ba người là 18 triệu đồng, nếu đồng ý thì gặp nhau tại quán cà phê Memory (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) để giao tiền và hồ sơ xin việc.

Ngoài việc tự giới thiệu mình là cán bộ công an, Thùy còn nói là Công an TP. Bà Rịa đang tuyển người vào làm việc, nếu ai có nhu cầu thì sẽ xin giúp với giá 15 triệu đồng/người. Tin lời, chị Nguyễn Thị Tố Diễm, chị Nguyễn Thị Diễm Trinh và anh Phạm Văn Sơn (đều trú TP. Bà Rịa) đã nhờ Thùy giúp đỡ và giao trước cho Thùy 25 triệu đồng. Với thủ đoạn tương tự, Thùy cũng đã nhận trước 22 triệu đồng của anh Nguyễn Cao Cường, chị Nguyễn Thu Oanh và anh Mai Quyết Tâm (đều trú tại TP. Bà Rịa).

Nữ quái và tang vật thu được

Là đối tượng không nghề nghiệp, nhưng Lê Thị Quyên, 31 tuổi, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa còn ham mê cờ bạc. Để có tiền đáp ứng nhu cầu của mình, Quyên tự nhận là Công an đang công tác tại Công an TP Thanh Hóa. Do thua cờ bạc, Quyên rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Sau khi xin được hai bộ quân phục Cảnh sát cũ, Quyên tìm cách lân la làm quen với những người có nhu cầu xin việc, những gia đình đang có người thân phạm tội, mục đích thu nhận hồ sơ kèm theo tiền xin việc, hoặc “chạy án”. Trước khi bị bắt, Quyên đã lừa ba người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để chiếm đoạt số tiền gần 1,4 tỉ đồng.

Đăng ký bảo hộ trang phục, lễ phục

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo mà các đối tượng đều giải danh là công an. Theo cơ quan Công an, những năm qua, tình trạng tội phạm giả danh Công an diễn biến phức tạp. Thủ đoạn phạm tội chủ yếu của bọn tội phạm này thường là cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  Hình thức thể hiện rất đa dạng, có lúc chúng giả danh là Cảnh sát hình sự, có khi lại là Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động. Khi giả danh là Công an, hầu hết các đối tượng đều nhằm mục đích vụ lợi, có được lòng tin của người bị hại, để dễ dàng chiếm đoạt tài sản. Đối tượng giả danh thường nhằm vào những người đi đường, có hành vi vi phạm Luật Giao thông; các gia đình có người thân đang trong vòng lao lý có nhu cầu cần chạy án; những người có nhu cầu xin việc làm...

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và việc dễ dàng mua được các sản phẩm trang phục giống quân phục CAND, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo quy định hiện hành, đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả trang phục CAND sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, để xử lý các đối tượng này hiện còn rất nhiều vướng mắc do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chưa đăng ký bảo hộ về kiểu dáng, màu sắc cố định cho quân phục, lễ phục.

Để ngăn chặn hành vi xử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân, Tổng cục Hậu cần kĩ thuật – Bộ công an phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất sửa đổi, ban hành mới các văn bản bảo hộ  kiểu dáng, màu sắc, chống lại việc làm nhái, làm giả sắc phục công an; giao công an các đơn vị địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các tổ chức cá nhân có hành vi sản xuất, sử dụng trang phục trái phép. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền công tác bảo hộ trang phục CAND trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Thu Thủy
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến