Dòng sự kiện:
Ngân hàng 'khát' nhân sự thời đại 4.0
29/06/2019 10:00:19
Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán nhân sự khó hơn trong tương lai khi thiếu hụt lớn nhân sự chất lượng cao.

Nhiều năm nay, các ngân hàng thương mại vẫn loay hoay với bài toán nhân sự, thừa cũng thừa mà thiếu thì cũng thiếu, tuyển mới rất nhiều nhưng nghỉ việc, nhảy việc cũng không kém. Và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng chạy đua phát triển công nghệ, phát triển ngân hàng số thì thách thức về nhân lực với các nhà băng còn lớn hơn. Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán nhân sự khó hơn trong tương lai, mà thậm chí hiện tại cũng đã xảy ra. 

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, kết quả một cuộc khảo sát với các ngân hàng gần đây, có 3 thách thức lớn nhất trong công tác tuyển dụng hiện nay. Trong đó 26% là thách thức đến từ mức lương và chế độ đãi ngộ cạnh tranh. Ngoài ra, đáng chú ý tỷ lệ nghỉ việc, bỏ việc trong ngành rất cao lên tới 21%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng nhận định đang thiếu ứng viên chất lượng cao trầm trọng.

Nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngân hàng hiện nay đòi hỏi phải có 3 trong 1, bao gồm kiến thức về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ. "Những người ở độ tuổi như tôi có khả năng am hiểu về công nghệ rất yếu nên khả năng tiếp cận mới, đổi mới tư duy sẽ dần giảm đi", ông Hòe chia sẻ.

Nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn chiếm chủ yếu trong lao động ngành ngân hàng hiện nay, có tới 90% có kỹ năng chuyên môn tài chính nhưng lại không có kỹ năng về IT và thiếu hụt ngoại ngữ.

Trong khi đó, nhân sự giỏi IT thì lại không giỏi chuyên môn khiến lập trình ứng dụng hiệu quả không cao, mâu thuẫn tác nghiệp. Theo ông Hòe, nhân sự cấp cao các ngân hàng hiện nay thường ít am hiểu về IT dẫn tới quyết định chậm hoặc sai lầm khi đầu tư về công nghệ. Có những phó tổng ở các ngân hàng thương mại chuyên về IT nhưng am hiểu về chuyên môn quản trị tài chính thì yếu hơn. 

Trước những thay đổi về công nghệ, ông Hòe cho rằng, khả năng mất việc diễn ra trong ngành ngân hàng trong tương lai sẽ rất lớn. Ngay trên thế giới, nhiều ngân hàng quốc tế cũng đã sa thải hàng loạt nhân viên.

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực ngành ngân hàng trong thời đại 4.0, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng các ngân hàng phải tự đào tạo, đào tạo lại cho nhân sự qua các lớp học từ bên ngoài hoặc các cuộc tọa đàm hội thảo. Các trường đại học và viện đào tạo nhân sự cho ngành cần xúc tiến sớm chương trình đào tạo này theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, các ngân hàng nên lấy nguồn từ kỹ sư IT sang đào tạo Cử nhân và Thạc sỹ Fintech.

Trên thực tế, tình trạng "khát" nhân sự lĩnh vực công nghệ ở các ngân hàng cũng đã diễn ra trong những năm gần đây khi các ngân hàng thông báo tuyển dụng các vị trí cho lĩnh vực công nghệ một cách thường xuyên hơn. 

Chẳng hạn, Techcombank đang thông báo tuyển dụng 12 vị trí trong lĩnh vực CNTT – Phần cứng/ mạng ở ngân hàng; 26 vị trí thuộc lĩnh vực CNTT – Phần mềm tại nhà băng này. ACB đang tuyển dụng 6 việc làm lĩnh vực CNTT – Phần cứng/ Mạng và 14 vị trí lĩnh vực CNTT-phần mềm, 7 vị trí về vận hành và công nghệ ngân hàng như chuyên viên cơ sở dữ liệu, chuyên viên lập trình ứng dụng Mobile App, nhân viên quản lý ứng dụng e – Banking,…Khối CNTT của MBBank cũng tuyển dụng 15 chỉ tieu trong tháng 6 vừa rồi.

Trước đó, trong đợt tuyển dụng đợt 1/2019, BIDV cũng thông báo tuyển dụng 14 nhân sự cho nghiệp vụ Công nghệ thông tin ở nhiều chi nhánh. Ngân hàng này cũng tìm kiếm nhân sự có nghiệp vụ quản trị và phân tích dữ liệu lớn – Big data trong đợt vừa rồi.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến