Dòng sự kiện:
Ngân hàng số: Nhận diện để hóa giải thách thức
13/08/2018 21:00:55
Giới chuyên gia cho rằng, việc tập trung trải nghiệm khách hàng và hệ sinh thái sẽ đóng góp thêm vào việc phát triển ngân hàng số.

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã thúc đẩy các ngân hàng Việt Nam chạy đua trong việc hoàn thiện dịch vụ ngân hàng số, nhằm đáp ứng những nhu cầu khách hàng mà ngân hàng truyền thống chưa làm được. Tuy nhiên, việc phát triển ngân hàng số đang đứng trước nhiều thách thức cần được nhìn nhận, quan tâm xử lý phù hợp để bắt kịp xu thế toàn cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Trưởng Tư vấn chiến lược Công nghệ mới cho ngành Ngân hàng (KPMG) chỉ ra sự khác biệt giữa CMCN 3.0 là công nghệ kỹ thuật số, còn CMCN 4.0 ghi nhận sự đột phá trong kỹ thuật số. Với CMCN 4.0, sáng tạo bằng cách khai thác sự hội tụ của các đột phá kỹ thuật số: làm bất cứ việc gì, ở bất cứ đâu; kết nối mọi thứ từ mọi nơi; truy cập nội dung rộng lớn và tính toán; tự động hoá các quá trình tư duy. Ngân hàng số liên tục phát triển thông qua việc sử dụng các công nghệ mới nhất như di động, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, blockchain, mạng xã hội.

Theo ông Hoàng, mỗi bước đột phá đã hoàn toàn thay đổi dòng tiền doanh thu, tạo ra những người thắng cuộc và bỏ lại sau lưng những người không thể thích nghi đủ nhanh. CMCN 4.0 mở ra cơ hội với ngành Ngân hàng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, giảm chi phí giao dịch và quản lý, đa dạng hoá danh mục sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình kinh doanh, tiếp cận và khai thác dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, thách thức trong triển khai ngân hàng số là rất lớn, từ việc xác thực người dùng, ứng dụng chữ ký số, an toàn bảo mật dữ liệu, yêu cầu cao về sự ổn định của hệ thống tới thích ứng nhanh với thay đổi của công nghệ… Thừa nhận công nghệ thông tin là lĩnh vực phát triển rất nhanh, nhiều quy định được ban hành. Song một chuyên gia cũng chia sẻ, vẫn còn có những quy định không còn phù hợp, gây cản trở cho việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin ngành Ngân hàng nói chung và việc triển khai ngân hàng số nói riêng.

Đơn cử như hiện nay, tại Việt Nam nền tảng xác thực giao dịch điện tử có tính chất pháp lý, mang tính quản lý nhà nước mới chỉ có quy định về chữ ký số. Trong khi đó, việc sử dụng chữ ký số không phải lúc nào cũng thuận tiện. Như việc chữ ký số buộc phải có thiết bị lưu trữ chuyên dụng, khách hàng phải luôn mang theo gây bất tiện.

Một vấn đề không mới nhưng luôn có tính thời sự, đó là nhân lực. Không phủ nhận nhân lực trong ngành Ngân hàng thời gian qua đã được quan tâm và chú trọng tăng cường cả về chất và lượng. Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, ngành Ngân hàng vẫn phải đối mặt với khó khăn thiếu hụt nhân lực công nghệ chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia làm công tác an ninh thông tin.

“Sự thiếu hụt về nguồn lực dẫn tới việc công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cũng như quản lý, kiểm soát, an toàn bảo mật không tương xứng với nhu cầu hoạt động của ngân hàng. Không đảm bảo về an toàn bảo mật, dễ lúng túng, bị động trước những cuộc tấn công quy mô lớn, có tổ chức của tội phạm công nghệ cao”, một chuyên gia nêu ý kiến.

Để đối diện với nhiều thách thức và khó khăn, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính – ngân hàng chia sẻ, trước khi hành động, các TCTD phải trả lời câu hỏi “Ta tồn tại và phát triển như thế nào trong thời đại công nghệ số?”. Chuyên gia này cũng nhận thấy, tiến trình chuyển đổi ngân hàng số từ quan niệm chỉ là một dự án số, đến lĩnh vực kinh doanh thì nay đã và đang dần coi ngân hàng số là một giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, thiếu chiến lược ngân hàng số đang là vấn đề lớn đối với nhiều NHTM.

Đề cập đến các yếu tố thành công trong chuyển đổi ngân hàng số, TS. Lực có nhắc tới vai trò phù hợp của chi nhánh và tích hợp kênh phân phối. Bởi theo ông, mô hình kinh doanh thay đổi sẽ khiến cho mô hình chi nhánh cũng thay đổi theo. Đảm bảo đa kênh, nhưng cần phải tích hợp (Omni-channel).

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hoàng cho biết, Omni-channel sẽ quản lý tất cả các kênh, bao gồm cả các kênh truyền thống và các kênh số hoá trên một nền tảng tích hợp duy nhất. Đồng thời nhận biết vị trí và cung cấp thông tin theo ngữ cảnh là cực kỳ quan trọng. “8 nhân tố quan trọng để triển khai Omni: hợp tác, liên minh và quản lý đối tác; chuỗi cung ứng nhanh, thương mại liền mạch, tập trung trải nghiệm, chiến lược sản phẩm và định giá, dữ liệu và phân tích, áp dụng công nghệ và điều chỉnh cơ cấu tổ chức”, vị này chia sẻ.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng cho rằng, việc tập trung trải nghiệm khách hàng và hệ sinh thái sẽ đóng góp thêm vào việc phát triển ngân hàng số. Như vậy, muốn gia tăng trải nghiệm, TCTD cần tạo lập hệ sinh thái đơn giản, đổi mới và cởi mở cho khách hàng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến