Dòng sự kiện:
Ngân hàng tìm lợi nhuận từ các dịch vụ phi truyền thống
17/10/2018 09:00:27
Dự báo tăng trưởng thu nhập dịch vụ của ngành ngân hàng sẽ ở mức từ 20-30%/năm từ nay đến năm 2022.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết kỳ vọng thu nhập từ các dịch vụ phi truyền thống (bancassurance, thẻ tín dụng, e-banking) sẽ tăng khi ngành chuyển hướng tập trung sang phân khúc ngân hàng bán lẻ.

Trong nhóm ngân hàng ACB, MBB, HDB, BID, VCB, CTG, thì ACB có tỷ trọng đóng góp từ thu nhập dịch vụ lớn nhất trong khi HDB và MBB đang có đà tăng trưởng nhanh nhất.

VDSC dự báo tăng trưởng thu nhập dịch vụ sẽ ở mức từ 20-30%/năm từ nay đến năm 2022 và tỷ trọng của thu nhập phí trên tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng từ 8% năm 2017 lên 13% vào năm 2022. Các nguồn thu nhập dịch vụ chính bao gồm thu nhập từ thanh toán và bancassurance.

Dự báo thu nhập dịch vụ của HDB sẽ tăng 164% trong năm 2018, do tăng trưởng nửa đầu năm đã lên đến 221% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự nhảy vọt này là do HDBank và HD Saison đã đẩy mạnh hoạt động bán bảo hiểm và vé máy bay cho khách hàng của Vietjet – một đối tác thân thiết của HDB.

Ngoài ra, khi các ngân hàng tiếp tục tích cực làm sạch bảng cân đối kế toán (và trái phiếu đặc biệt VAMC) thông qua trích lập dự phòng rủi ro và xóa nợ thì kỳ vọng thu từ nợ đã xử lý sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận trong trung hạn.

Bên cạnh đó, việc tích cực giải quyết nợ xấu tồn đọng nhiều khả năng sẽ làm giảm gánh nặng dự phòng VAMC trong tương lai. ACB, CTG, MBB và VCB đều đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC còn tồn đọng, BID và HDB cũng đang trên đà giải quyết trái phiếu VAMC còn lại, dự kiến sẽ hoàn thành xong vào đầu năm 2019 sau khi mạnh tay trích lập dự phòng trong thời gian gần đây.

Trên bảng cân đối kế toán, chất lượng tài sản cũng đang được cải thiện, phần lớn nhờ vào việc tích cực xóa nợ trong các quý trước. Tuy nhiên, việc ngân hàng trích lập dự phòng mạnh tay hơn (nhờ có khả năng sinh lời trước dự phòng nâng cao đáng kể) sẽ khiến chi phí dự phòng rủi ro tăng cao cho nửa cuối năm 2018 trước khi trở lại mức bình thường từ năm 2019.

Thống kê cho thấy, tại nhiều ngân hàng hiện nay, lợi nhuận đã bớt dựa nhiều vào tín dụng truyền thống; tỷ lệ thu ngoài lãi, từ dịch vụ đã gia tăng lên 20%, 30%, thậm chí gần 40%. Sự gia tăng nguồn và tỷ trọng này cũng góp phần giải thích cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao 2017 và 2018, cả triển vọng 2019.

Lãnh đạo một ngân hàng cũng từng chia sẻ, ở kênh ngân hàng số, độ trễ đầu tư những năm qua đến nay đã và đang được rút ngắn có kết quả. Và đây là xu hướng vận động của tương lai, theo mô hình và đòi hỏi về ngân hàng hiện đại.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến