Dòng sự kiện:
Ngân sách có hạn, không thể mong giáo dục chất lượng cao nhưng giá rẻ
17/05/2018 08:55:07
Ngân sách có hạn, nhưng có đến 80% các trường ĐH, CĐ là trường công. Do đó, cần có cách làm mới, tạo điều kiện cho trường ngoài công lập phát triển.

Đây là ý kiến của TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo Hệ thống Giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế.

Thực tế, nội dung về một nền giáo dục mở đã được đề ra trong Nghị quyết 29 của BCH Trung ương khóa XI, đến nay đã 5 năm, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về giáo dục đại học mở.

TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, đặc điểm đầu tiên và bắt đầu của nền giáo dục mở chính là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo, nhằm mục tiêu hình thành những con người “tự nó”, tự chủ, có năng lực tư duy độc lập, có thói quen phản biện, có bản lĩnh bảo vệ chân lý, luôn chủ động và sáng tạo, có năng lực hành động trong công việc... Tức là hiểu đặc trưng “mở” ấy của nền giáo dục ở phương diện mục tiêu đào tạo.

TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: KT)

Theo đó, nền giáo dục mở cần thể hiện ở môi trường phát triển đối với con người. Để đạt được mục tiêu đào tạo đó, cần thiết phải thay đổi phương pháp tiếp cận và tác động vào người học theo hướng mở. Người thầy không phải là nhà truyền giáo, áp đặt một chiều các kiến thức có sẵn, mà là một người bạn đồng hành cùng với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý.

Theo TS Hoàng, thoáng mở đầu vào để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các cơ sở giáo dục-đào tạo khi họ thật sự muốn học cũng là một đặc điểm của hệ thống giáo dục mở. Tất nhiên việc thoáng mở đầu vào phải gắn với quản lý chất lượng đầu ra.

“Ở nước ta nhiều khi thi vào đại học thật vất vả, nhưng vào được rồi thì gần như chắc chắn sẽ tốt nghiệp, trong khi ở nhiều nước tiên tiến, muốn học thì ghi tên để học, nhưng nếu không học nghiêm túc và tích cực thì sẽ mất thêm nhiều năm vẫn không tốt nghiệp được. Đó là hai cách làm khác nhau nhiều”, TS Hoàng chỉ rõ.

Phân tích thêm về vấn đề này, TS Vũ Ngọc Hoàng cho biết, tại nhiều nước tiên tiến, ở khu vực đại học, cao đẳng, trường ngoài công cập chiếm đa số, thậm chí đến 80%, trường công lập chỉ chiếm số ít khoảng 20%. Trong khi đó, ở nước ta lại ngược lại, công lập chiếm 80%.

“Trong khi ngân sách nhà nước còn rất có hạn, vậy mà cứ mong muốn có một nền giáo dục đại học chất lượng cao, giá rẻ. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy và cách làm, mở mang cho hệ thống ngoài công lập phát triển, nhất là ở khu vực đào tạo sau phổ thông. Tạo nên một môi trường bình đẳng thật sự giữa công lập và ngoài công lập cũng là một nội dung quan trọng của hệ thống giáo dục mở”, TS Hoàng nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục mở phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở đại học và cao đẳng. Chỉ khi có đủ quyền tự chủ, thì lúc đó mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành thực sự.

“Chủ thể tự chủ ở đây là trường đại học! Nhưng hiểu thế nghĩa nào cho đúng? Có phải là cả trường không hay chỉ là ông hiệu trưởng? Không phải cả trường và cũng không phải một người là hiệu trưởng, mà là một tập thể, đứng đầu là Hội đồng trường, cơ quan đại diện và quyền lực cao nhất của nhà trường. Hội đồng trường quyết định ông hiệu trưởng chứ không phải ngược lại như cách ta làm lâu nay, biến hội đồng trường thành hình thức, bảo vệ các ý kiến của hiệu trưởng”.

Còn theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, đến nay, chúng ta vẫn chưa có định nghĩa chính thức về giáo dục mở. Khái niệm này được các học giả hiểu một cách ít nhiều cảm tính và do đó có các cách hiểu khác nhau.

Ông Tiến cho rằng, chủ trương chuyển từ hệ thống giáo dục đóng sang hệ thống giáo dục mở là một bước chuyển vừa căn bản, vừa đột phá. Tuy nhiên, để không dừng lại ở một sáo ngữ, trước tiên, cần có cách hiểu thống nhất về khái niệm này.

Chương trình GDPT mới theo hướng mở

Phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể cho biết chương trình GDPT mới cũng được xây dựng theo hướng mở.

Theo đó, chương trình sẽ chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết để tạo điều kiện cho tác giả GSK và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể.

“Chương trình mới được xây dựng mang tính mở cho người học là học sinh được tự chọn môn học. Cụ thể, học sinh được tự chọn ngoại ngữ 2 từ lớp 6 hay tự chọn học phần. Đơn cử như môn thể dục, học sinh có thể chọn học thể dục nhịp điệu hay nhảy xa.

Bên cạnh đó học sinh cũng được tự chọn nội dung học tập cụ thể (môn Ngữ Văn, học sinh có quyền đề xuất đưa tác phẩm học sinh thích vào giảng dạy)”, GS Thuyết cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình thiết kế theo hướng mở cho cả các địa phương. Cụ thểm UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, bổ sung nội dung giáo dục của địa phương vào chương trình GDPT. Cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp, với điều kiện cụ thể của nhà trường, chọn GSK phù hợp.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến