Dòng sự kiện:
Nghệ sĩ không 'sao' gian nan bám nghề
03/09/2018 13:46:32
Họ là những nghệ sĩ yêu nghề, sống chết với nghệ thuật dù sự nghiệp không may mắn như các diễn viên ngôi sao.

Có những nghệ sĩ (NS) lăn lộn cả đời nhưng sự nghiệp cứ lận đận. Họ có quá trình hoạt động nghệ thuật đầy gian nan, cơ cực, cuộc sống đầy vất vả. Nhưng họ vẫn không rời bỏ đam mê, yêu nghề, sống chết với nghề.

Những kép hài lận đận

Không phải ai làm nghệ thuật cũng đều may mắn trở thành ngôi sao, dù tài năng có thể không thiếu. Người trong giới thường an ủi nhau là do thiếu duyên nghề, ngôi sao may mắn chưa chiếu mệnh. Bảo Trí là một NS trong số đó.

Hơn một tháng qua, NS Bảo Trí và vợ là Kim Tuyết vẫn còn lâng lâng trong niềm hạnh phúc khi họ đoạt giải quán quân chương trình "Gia đình nghệ thuật 2018". Là diễn viên hài quen thuộc của sân khấu TP HCM, được khán giả nhớ đến với phong cách diễn xuất đậm chất Nam Bộ nhưng NS Bảo Trí chưa bao giờ nghĩ có ngày anh và vợ được người xem yêu mến trên sóng truyền hình như vậy. NS Bảo Trí nhớ lại: "Từ khi rời khỏi sàn diễn cải lương, bước vào lĩnh vực hài kịch, tôi và vợ lập nhóm hài song tấu cứ lặng lẽ diễn mỗi đêm, diễn cả đám cưới cho đến tiệc thôi nôi, đám giỗ. Gần như chưa bao giờ có được vai chính trên sân khấu nhưng chúng tôi cứ vui, bởi vì dù vất vả, gian nan nhưng vẫn sống được với nghề mà mình yêu thích".

Nghệ sĩ Bảo Trí và NSƯT Tấn Giao trong vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”

Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Sài Gòn, cha của anh làm nghề bác sĩ và mẹ làm nghề kinh doanh. Nhưng do cha mẹ ly hôn, các anh chị em trong nhà phải chia cắt, cuộc đời của anh trở nên bi kịch từ đó.

Năm lên 13 tuổi, NS Bảo Trí mê sân khấu và đi theo đoàn cải lương để học hát. Anh và NSƯT Phượng Loan là đệ tử ruột của thầy Hoàng Nô. "Vì đi lên từ nghèo khó nên gian nan cách mấy tôi cũng vượt qua", NS Bảo Trí nhớ lại.

Trong hành trang nghệ thuật của mình, Bảo Trí đã có một huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 2012 và một huy chương bạc tại Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2014.

NS Vũ Thanh vào nghề từ năm 1978 cho đến nay đã 40 năm. Ban đầu, anh theo nghề ca sĩ, đầu quân cho Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Đồng Tháp. Đến năm 1980, anh về Đoàn Ca múa nhạc Minh Hải. Nhưng rồi thấy nghề ca sĩ không khá, vì kém sắc vóc, anh chuyển sang diễn hài kịch, lần lượt tham gia các đoàn nghệ thuật: Vĩnh Long, Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Hà Nội… trước khi về Đoàn Kịch Trẻ và Đoàn Kịch TP HCM (2 đoàn này sau sáp nhập thành Nhà hát Kịch TP HCM). Từ năm 2003, anh bắt đầu lập nhóm hài riêng - nhóm hài Vũ Thanh, cưu mang rất nhiều diễn viên trẻ mà ngày nay họ đã là NS nổi tiếng như: Kiều Oanh, Thu Trang, Tiến Luật…

NS Vũ Thanh đắt sô phim truyền hình, tham gia nhiều bộ phim: "Trinh thám nghiệp dư", "Đồng hồ cát", "Hẻm cụt", "Tìm bố cho bé Suri", "Vợ là mùa xuân"… và 2 bộ phim đã để lại ấn tượng với khán giả là: "Vật chứng mong manh" (vai thượng tá Ba Lanh), "Ông Trùm" (vai Cường Sói). Anh cũng vừa thực hiện live show "Phía sau sân khấu" kỷ niệm 40 năm theo nghề. Sau này, anh còn là một nhà biên kịch có 130 kịch bản hài được truyền hình sử dụng.

"Tôi sống nhờ ơn Tổ nghiệp sân khấu 22 năm, gian nan đã hun đúc trong tôi tinh thần thép, sức chịu đựng rất cao, chưa bao giờ nản lòng, dù nghề hát thử thách tôi rất nhiều", NS Vũ Thanh nói.

Những diễn viên không bao giờ chê vai

NS Mỹ Dung và Thụy Mười được mệnh danh là không bao giờ chê vai diễn, dù đó là vai quần chúng có thoại hoặc hồn ma xuất hiện vài phút, miễn là đừng để "đụng" lịch diễn của hai chị.

NS Mỹ Dung tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM năm 1991, sau đó về cộng tác với Nhà hát Kịch TP HCM, đến năm 2001 ra hoạt động tự do. "Chưa bao giờ nghe nữ diễn viên này chê vai diễn được giao. Bất kể tính cách gì, thời lượng bao nhiêu, miễn sao được đứng trên sân khấu, dù là một mắt xích nhỏ của vở diễn. Cái tài ở Mỹ Dung là biết nghiên cứu, phân tích để vai diễn dù xuất hiện ít nhưng để lại ấn tượng" - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét.

NS Mỹ Dung và NSƯT Trịnh Kim Chi trong một vở kịch truyền hình

Mỹ Dung vượt qua nhiều chông gai để gắn bó với nghề. Chị tham gia nhiều phim: "Ngõ vắng", "Tham vọng", "Vó ngựa trời Nam", "Hoàng hôn ấm áp", "Gió xuân về", "Một thời ngang dọc", "Chuyện tình bên dòng kinh xáng"... Chị cũng tham gia các chương trình truyền hình như: "Kính đa tròng", "Nhật ký không độ", "Chuyện không của riêng ai" "Gia đình.com", "Vì cuộc sống tươi đẹp" nhưng chỉ là vai phụ, làm dàn bao… "Đôi lúc có người hỏi vì sao không buồn khi nghề không cho mình cơ hội để tỏa sáng, tôi chỉ cười rồi tự an ủi nếu ai cũng muốn làm ngôi sao thì cả bầu trời không còn đẹp nữa. Tôi được làm nghề và cống hiến, sống lương thiện, từ những đồng tiền thù lao do sức lao động mình làm ra, vậy là tốt rồi", chị tâm niệm.

NS Thụy Mười, từ Long An lên Sài Gòn lập nghiệp, chưa bao giờ mơ sẽ thành ngôi sao lớn. Vì suốt 20 năm sống cùng cực với nghiệp diễn viên, chị bị "chết vai" trong những nhân vật không tên tuổi. Tiền cát- sê không đủ nuôi sống bản thân. Cuối năm 2014, Thụy Mười phát hiện mình bị bệnh tim sau nhiều lần ngất xỉu trong cánh gà sân khấu. "Bao nhiêu năm sống với nghề, tôi có ngày cơm không đủ no, tiền đâu chữa bệnh", NS Thụy Mười nhớ lại những giây phút sống trong tuyệt vọng.

Thụy Mười và NSƯT Phi Điểu trong một chương trình truyền hình

May mắn là danh hài Hoài Linh tình cờ biết chuyện sức khỏe của chị đã đứng ra vận động , tổ chức đêm nhạc và dành tặng số tiền đủ để chị chữa bệnh. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, NS Thụy Mười quay lại sân khấu, "nên vai gì cũng nhận, cố gắng làm tốt để được giao việc", NS Thụy Mười tâm sự.

Chính vì tử tế với nghề, nên họ là những NS luôn được yêu mến. Tình cảm của khán giả, đồng nghiệp đã bù đắp lại những vất vả, khó khăn trong đời sống và trong quá trình làm nghệ thuật của mỗi người. 

Nỗ lực gấp nhiều lần

Vì không được may mắn là ngôi sao nên các NS như: Bảo Trí, Vũ Thanh, Mỹ Dung, Thụy Mười đều phải nỗ lực gấp nhiều lần. Giới chuyên môn đánh giá cao về tài năng diễn xuất của họ "Tính cách nào, độ tuổi nào, họ cũng thể hiện xuất sắc. Chỉ cần giao vai, nói sơ qua ý đồ dàn dựng, lập tức họ sáng tạo cho nhân vật của mình những mảng miếng, đường nét rất ấn tượng mang lại hiệu quả chung cho vở diễn, bộ phim", NSƯT Nguyễn Công Ninh nói.

Điều đáng ghi nhận ở các NS trên là ý thức làm nghề của họ, nói như NS Vũ Thanh: "Biết lượng sức mình, đừng đứng núi trông sao trời". Còn với NS Bảo Trí: "Việc đến thì làm, đừng làm gian dối, nề hà, so bì, phí phạm danh tiếng NS".

Theo Người Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến