Dòng sự kiện:
Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu: Không ưu ái các tổ chức tín dụng
24/05/2017 06:08:07
Ngày 23/5, một cuộc hội thảo về “Xử lý nợ xấu - Từ góc độ chính sách và pháp luật” được tổ chức tại Hà Nội.

Nội dung thảo luận được chú ý bởi câu chuyện nợ xấu gần đây “nóng” trở lại cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa báo cáo tại kỳ họp Quốc hội. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu Quốc hội (ĐBQH), một số bộ ngành, tòa án, viện kiểm sát và chuyên gia kinh tế, luật sư.

Ngân hàng chật vật thu nợ xấu

Báo cáo của NHNN, trong giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 610 ngàn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm gần 44%. Tính đến 31/3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các tổ chức tín dụng trên 160 ngàn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TTTD qua VAMC lũy kế từ 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.263 tỷ đồng. Trong tổng số nợ xấu được xử lý thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17.1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

"Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô” - báo cáo của NHNN cho biết. Vẫn theo NHNN, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay. Trong khi các định chế như IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) phán đoán nợ xấu thật đâu đó có thể 12%, tính ra khoảng 600.000-650.000 tỉ đồng.

Nói về yêu cầu cấp thiết của việc hoàn thiện các quy định nhằm xử lý nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng với nợ xấu phải giải quyết càng nhanh càng tốt. Nợ xấu tiếp tục dồn ứ ở mức cao sẽ khiến DN càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH. Chẳng hạn, nợ xấu ở một NH là 50 đồng cho vay ra không thu về được. Thay vì NH huy động 100 đồng cho vay 80 - 90 đồng, thì nay phải dành 50 đồng nuôi nợ xấu, nên phần đem cho vay chẳng còn bao nhiêu.Nền kinh tế mất đi một lượng vốn lớn do vốn không được quay vòng, dòng tiền trong kinh tế không lưu thông được.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank, nếu xử lý nợ xấu được thì sẽ có thêm 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống để cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế, có điều kiện giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Còn theo đánh giá của TS Nguyễn Đức Kiên, Chính phủ đã trình Quốc hội nghị quyết mới về xử lý nợ xấu, Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600.000 tỷ đồng.

Các ý kiến đều cho rằng, trước khi các rào cản trong phát mãi tài sản đảm bảo và thị trường mua – bán nợ được tháo gỡ, các ngân hàng vẫn phải tự thân giải quyết gánh nặng nợ xấu. Tuy nhiên dù ngân hàng tự giải quyết thì quan trọng vẫn là hành lang pháp lý phải hoàn thiện.

Đơn cử như tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, có tài sản nhưng để thu hồi được phải trên 7 năm, ngay cả sau khi có quyết định của tòa án thì thời giant hi hành án cũng lâu như một công ty ở Bình Dương phải 4 năm nay chưa thực hiện thi hành án. Có trường hợp một khách hàng có khách sạn ở Nha Trang , môi năm khai thác 70-100 tỷ nhưng không chuyển về ngân hàng. Nếu bàn giao được thời điểm này thu giữ được. Có sự cố tình chây ỳ.

Tại Techcombank, đại diện NH này cho hay, trong tháng 10/2016, NH đã tiến hành thu giữ 1 tài sản đảm bảo (TSĐB) tại Hà Nội, đây là TSĐB của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2000 ngày, Mặc dù NH đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ TSĐB (bao gồm cả việc gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ) nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ, TCTD đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản. Ngay cả khi tài sản đã thu giữ thành công, bán đấu giá thành công, hợp đồng đấu giá đã công chứng nhưng cơ quan chức năng thuộc UBND quận, huyện lại chủ trương không đồng ý tiến hành thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá…Cá biệt có không ít trường hợp đấu giá từ 2013 nhưng đến nay tài sản vẫn chưa được sang tên cho bên trúng giá.

Xử lý nợ xấu, nhất là TSĐB liên quan đến bất động sản, đất đai, thuế, phí lại gắn thủ tục quy trình pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh các luật, của nhiều bộ ngành khác nhau.. Vì mang tính chất cấp bách để giảm thiểu phí tổn không cần thiết cho nền kinh tế cả hiện tại và trong thời gian tới thì phải đặt lợi ích chung lên cao nhất, gắn với sự ổn định, phân bổ hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng chống đỡ các cú sốc của cả nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Theo ý nghĩa đấy, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu và Quản lý Trung ương (Ciem) cho rằng, việc thông qua một Nghị quyết về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành ngân hàng mà sự cần thiết cho cả nền kinh tế.

Vấn đề nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Và điều nữa là những người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh chứ không có sự bao che hay dung túng bất kì ai. Cũng vì lẽ đó nên có cơ chế khuyến khích như một chất xúc tác để các ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu, đảm bảo lành mạnh hóa hoạt động trong giai đoạn 2 tái cấu trúc NH, dần áp dụng thông lệ chuẩn mực quốc tế.

Giải quyết từ gốc

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 có 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng mà căn cơ chính là xử lý nợ xấu. Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là phải tháo gỡ được những rào cản trong xử lý tài sản đảm bảo, đồng thời, đòi hỏi phải hình thành thị trường mua - bán nợ. Nghị quyết lần này đã gỡ được rất nhiều nút thắt hiện nay trong việc xử lý nợ xấu như mua nợ theo giá thị trường, quyền thu giữ TSĐB, phân bổ số lãi dự thu.

Dù ủng hộ với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu nhưng theo ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu, Nghị quyết đưa ra phải đảm bảo tính thuyết phục bởi nếu thực hiện 5 năm thì có an toàn không, sau 5 năm đâu đó lại quay lại thì thế nào? Việc chỉ xử lý nợ xấu hình thành trong một giai đoạn nhất định không bảo đảm xử lý triệt để nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho hay, với Nghị quyết này, quan điểm của UBTVQH có 6 nguyên tắc là không sử dụng NSNN, không trái Hiến pháp, phải giới hạn thời gian hoàn thành không để kéo dài dễ tạo tâm lý ỷ lại của các TCTD, thứ tư nếu được thông qua cho có hiệu lực ngay từ 1/7/2017 chứ không nhất thiết phải theo trình tự 6 tháng, phải đảm bảo quy luật thị trường, giá bán ra có cao có thấp, chấp nhận nền kinh tế thị trường và đặc biệt không loại trừ trách nhiệm hình sự với những cá nhân sai phạm. "Trong quá trình xử lý nợ xấu, Chính phủ sẽ xử lý trách nhiệm của người, tổ chức gây ra nợ xấu", ông Kiên thông tin thêm.

"Việc xử lý nợ xấu quy mô lớn trong mọi trường hợp theo kinh nghiệm quốc tế đều cần hành lang pháp lý riêng như ở Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Ở Việt Nam, nếu không có nguồn lực tài chính tập trung, chỉ dựa vào năng lực tự tái cấu trúc của các NHTM thì càng đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nữa. Trong một vài năm tới, nhiều khoản nợ xấu từ VAMC lại được trả về cho các NHTM trong khi các ngân hàng này hiện tại đang chật vật để xử lý các khoản nợ xấu chưa bán cho VMC thì những khó khăn về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc của các NH này sẽ tăng lên gấp bội, làm ảnh hưởng đến an toàn tài chính của cả hệ thống", TS Lê Xuân Nghĩa.

Theo KTĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến