Nghĩ về lời mong mỏi của Người trong di chúc
22/09/2014 10:53:26
Còn nhớ, khi tôi vừa rời ghế Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được ít ngày thì đau đớn đón nhận tin Người qua đời.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, tôi những mong làm được một việc gì đó để được cùng với mọi người đền đáp công ơn trời biển mà Bác và Đảng đã đem lại. May mắn làm sao, khi công tác tại Phòng Bảo tồn Bảo tàng, tôi được lãnh đạo Ty Văn hóa Hà Bắc giao nhiệm vụ sưu tầm, biên soạn công trình về tình cảm của Người đã dành cho Đảng bộ và nhân dân địa phương suốt mấy chục năm qua. Vào dịp sinh nhật Người 19-5-1972, công trình Bác Hồ với Hà Bắc được xuất bản (sau này, dịp kỷ niệm lần thứ 105 năm ngày sinh của Người, Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc cho tái bản với tên mới Muôn vàn tình thân yêu). Cho đến giờ, những dòng Di chúc của Người để lại khiến chúng tôi không bao giờ quên, vẫn cứ rỡ ràng hiện lên:

"Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Tại sao một người làm công tác nghiên cứu lịch sử Đảng như tôi suốt hơn 40 năm qua cứ tâm đắc một điều, chỉ khi nào đất nước giàu mạnh, dân tộc giỏi giang thì khi ấy khát vọng cao đẹp và cháy bỏng suốt đời của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh mới trở thành hiện thực? Và, khẩu hiệu "Thực hành giáo dục toàn dân" của Người trong Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 cũng như sự chỉ đạo của Người ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công là phải phát triển một nền giáo dục cách mạng-một bộ phận không thể tách rời sự nghiệp xây dựng nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới trong cách mạng Việt Nam, mới đi được đến đích cuối cùng?

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu. Nguồn: TTXVN.

Đó là vì, như tất cả chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, xuyên suốt tâm tưởng và lòng mong mỏi của Người, từ khi dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai cho tới khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, Người đều bày tỏ và dành hết tâm lực cho mục đích hết sức giản đơn nhưng cũng hết sức cao cả của mình: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi [...]"(1).

Chính cũng từ một sự ham muốn, ham muốn tột bậc đó mà ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, Người đã khẳng định:

"Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính.

Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm.

Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công.

Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có sáu vấn đề:

Một là, nhân dân đang đói-Ngoài những kho chứa thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích cấy lúa để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng. Hơn nữa, chúng ta còn tìm thấy hai kế hoạch của bọn cầm quyền Pháp với mục đích gây nạn đói, để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào chúng ta phải làm việc như nô lệ.

Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống.

Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất.

Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.

Vấn đề thứ hai, nạt dốt-Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ.

Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần Quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ [...]"(2).

Chính Người đã sớm khẳng định, chỉ có giáo dục mới giúp cho sự nghiệp cách mạng đào tạo ra lớp người có ích, đủ đức và tài để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, khiến cho đất nước hưng thịnh như trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

"Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"(3).

Theo Người, đối tượng của nền giáo dục Việt Nam mới là toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt giới tính, thành phần và dân tộc, bởi lẽ:

"Muốn giữ vững nền độc lập,

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ"(4).

Góp phần quan trọng vào sự nghiệp đưa đất nước trở nên giàu mạnh, sánh vai được với cường quốc năm châu thì nền giáo dục ấy phải sản sinh ra các nhân tài trên tất cả các lĩnh vực và quan trọng hơn cả, Đảng và Nhà nước phải huy động được cũng như hết lòng trân trọng đội ngũ nhân tài ấy, như Người đã chỉ ra:

"Sau 80 năm bị bọn Pháp thực dân giày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là rất cao. Nay muốn giữ vững nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào con đường kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều.

Chúng ta cần nhất bây giờ là:

Kiến thiết ngoại giao

Kiến thiết kinh tế

Kiến thiết quân sự

Kiến thiết giáo dục

Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay"(5).

Gần nửa thế kỷ đã qua đi, thực hiện lời căn dặn và nhất là sự trao lại trách nhiệm cho Đảng trong việc làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng đã làm được nhiều việc lớn. Nhưng người dân vẫn còn trông đợi đối với Đảng trong nhiều vấn đề trọng đại để thúc đẩy nền kinh tế, xây dựng nền giáo dục tiến kịp với yêu cầu thời đại. Đội ngũ trí thức, lớp nhân tài con đẻ của nền giáo dục tốt đẹp ấy xứng đáng được gánh vác những trọng trách trên bước đường trí tuệ dẫn dắt tương lai. Hãy và luôn luôn trở lại với tư tưởng trọng dụng và tin tưởng nhân tài mà Người đã dày công vun đắp.

----------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.161.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.7-8.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.32-33.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.36.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.99.

 KHỔNG ĐỨC THIÊM

Theo QDND.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến