Dòng sự kiện:
Nghịch lý ngày Tết: Ông chủ ra ngủ vỉa hè
09/02/2018 21:20:00
Những ngày cận Tết, những ông chủ sở hữu các cây cảnh giá chục triệu, trăm triệu nhưng phải dựng lều ngủ ngoài vỉa hè.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, các tuyến đường như Lạc Long Quân, Tố Hữu (Hà Đông), Tam Trinh, Âu Cơ… được nhuộm đỏ sắc đào, nhuộm vàng sắc quất. Nhưng ít ai để ý đến hình ảnh những túp lều lụp xụp dựng bằng vải bạt của những tiểu thương bán đào, quất, mai.

Túp lều lụp xụp núp sau sắc đào rực rỡ

Những ngày này, Hà Nội chìm trong giá rét, nhiệt độ giảm sâu đặc biệt là ban đêm, nhiệt độ có thể xuống đến 10 độ C. Trong khi mọi người đang say giấc ngủ trong chăn ấm thì những tiểu thương bán cây cảnh phải dựng lều, đốt lửa chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt để trông coi hàng hóa.

Chúng tôi tiến vào một túp lều dựng tạm bợ trên vỉa hè đường Tố Hữu (Hà Đông). Túp lều rộng chừng 2- 3m2 nhưng là nơi sinh hoạt của bốn người trong gia đình anh Nguyễn Văn Huy ở làng đào Phú Thượng. Chiếc chiếu trải trực tiếp xuống nền đất lạnh, ở giữa đặt khay cốc chén và ấm nước chè, hai ba chiếc chăn mỏng cuốn gọn góc lều.

Mọi sinh hoạt của cả gia đình gói gọn trong một túp lều

Anh Huy cho biết, năm nay anh mang gần 100 gốc đào lên Hà Nội bán trong đó có những cây đào có giá lên đến cả chục triệu, trăm triệu.

“Cả gia đình 4 người thay nhau thức đêm canh chừng. Nhưng chủ yếu là hai vợ chồng tôi vì hai thằng con trai đang tuổi ăn tuổi ngủ sợ chúng ngủ quên. Đêm nào cũng thấp thỏm, cứ nghe thấy tiếng động lạ là cả nhà lại lục tục dậy đi kiểm tra một vòng”.

Anh Huy cho biết thêm, khi trời nhá nhem tối, gia đình anh phải bưng các chậu đào cổ thụ giá cao đặt sát lều và dùng xích khóa các gốc lại với nhau để hạn chế tối đa việc bị mất trộm. Sáng hôm sau, lại bày ra để khách ngắm chọn.

Tấm bạt quây kín để gió lạnh không lọt vào trong lều

Bác Vũ Xuân Huỳnh (sinh năm 1962) lặn lội cả nghìn cây số mang mai vàng từ Bình Định ra Hà Nội bán. Bác Huỳnh không giấu được vẻ mệt mỏi hằn trên khuôn mặt khắc khổ sau 3 đêm thức trắng canh những chậu mai tiền triệu mà ông chắt chiu, chăm sóc được.

“Trời càng về đêm và sáng lại càng lạnh, ngồi co ro trong lều quấn chăn quanh người mà vẫn run cầm cập. Mệt nhưng chẳng thể nào chợp mắt nổi, lạnh là một phần, phần nữa là cả tài sản bày ra vỉa hè sao mà yên tâm ngủ”, bác Huỳnh tâm sự.

Vì mưu sinh, họ phải ăn ngủ ngoài đường

Màn đêm buông xuống trên thành phố, những phận người mưu sinh quây quần bên nhau ngồi nhâm nhi chén trà nóng, sưởi ấm cho nhau bằng dăm ba câu chuyện phiếm. Họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau, cạnh tranh nhau khi kinh doanh cùng một mặt hàng nhưng họ lại chia sẻ với nhau những vất vả, cơ cực. Họ đều nuôi một hi vọng có thể bán hết hàng trước chiều 30 để có thể về quê đón một cái Tết đầm ấm.

Chị Trịnh Thị Minh, một người bán quất trên đường Lạc Long Quân tâm sự: “Ăn ngủ ngoài đường thế này bất tiện đủ điều đặc biệt là phụ nữ nhưng biết làm sao được. Công sức cả năm chỉ trông chờ vào mấy ngày cuối năm này. Vất vả mấy tôi cũng chịu được chỉ lo bán ế thì mất Tết”.

Đốt lửa để xua tan cái lạnh giá của Hà Nội những ngày cận Tết

Chị Minh kể, mang tiếng dựng lều nhưng không chắn được gió. Gió lạnh thông thốc thổi vào, hơi lạnh từ dưới nền đất xông lên khiến cơ thể như đông cứng lại. Ăn uống tạm bợ, khi thì nắm xôi, khi thì cái bánh mỳ hay hộp cơm bụi. Cả ngày làm việc, đêm lại thức trắng đã khiến nhiều người đổ bệnh.

“Đêm xuống mấy anh chị em bảo nhau lấy ít củi, gỗ để nhóm lửa sưởi ấm, cũng đỡ đi phần nào”, chị Minh nói.

Có những chiếc lều được dựng lên chỉ cao chưa đến 1m, vừa đủ cho 1 người chui ra chui vào.

Anh Đỗ Văn Bình, bán đào ở đường Lê Văn Lương cho biết, bọn trộm thường chọn thời điểm khoảng 1,2 giờ sáng để hành sự. Chúng thường đi theo nhóm và rất nhanh tay nên cần phải hết sức tập trung và đề cao cảnh giác, chỉ lơ là vài phút thôi là mất trắng cả chục triệu.

Khi thành phố lên đèn, trên vỉa hè, những giấc ngủ không tròn để vun vén một cái Tết vẹn tròn.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến