Dòng sự kiện:
Nghịch lý thiếu giáo viên, thừa hiệu phó ở Gia Lai
23/09/2018 06:07:16
Sau sáp nhập, ngành giáo dục Gia Lai hiện có nhiều trường vẫn giữ 4 đến 5 phó hiệu trưởng, gây lãng phí nguồn nhân lực.

Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, trước năm học mới, ngành giáo dục Gia Lai đã tiến hành sát nhập gần 60 đơn vị trường học, dồn hơn 200 lớp học để tiết kiệm nhân sự, đảm bảo chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, hiện có nhiều trường sau sáp nhập vẫn giữ 4 đến 5 phó hiệu trưởng, gây lãng phí nguồn nhân lực, trong khi địa phương vẫn còn thiếu đến 2.000 giáo viên đứng lớp.

Ông Dương Măh Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai (bìa phải) cho biết năm 2021 mới sắp xếp cán bộ quản lý ngành giáo dục địa phương.

Sau khi sáp nhập với trường tiểu học Lê Văn Tám, trường Tiểu học Trần Quốc Toản, ở xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có 889 học sinh với 33 lớp học. Dù sĩ số không đông, nhưng trường này có 1 Hiệu trưởng và tới 5 Phó hiệu trưởng. Tức là đơn vị đang dôi dư tới 3 cán bộ quản lý. Bà Nguyễn Thị Soa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây, bà chỉ cần 2 Phó hiệu trưởng giúp việc; một người phụ trách chuyên môn, người kia phụ trách các mặt hoạt động khác, nhưng nay phải dàn đều công việc của 2 người cho 5 người cùng làm.

Theo quy định của ngành, các Phó hiệu trưởng này chỉ phải dạy 4 tiết học trong 1 tuần, nên rất nhàn rỗi. Bà Soa cho hay: “Trường cũ có 2 phó. Thêm trường nhập vào có 2 phó và hiệu trưởng nữa nên hiện nay có 5 phó hiệu trưởng. Như vậy, phụ trách chuyên môn có 2 người. Một người phụ trách chính, một người phụ trách điểm trường chính. Cấp trên sắp xếp thế nào thì trường làm như vậy thôi. Chuyện sắp xếp nhân sự là của cấp trên”.

Cũng trong năm học này, sau khi sáp nhập với trường Tiểu học Phan Chu Trinh, trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai cũng có tới 4 Phó hiệu trưởng. Ông Đặng Đình Lực, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc quản lý tại đây giống như bình mới, rượu cũ, vì hầu như không có gì khác so với trước sáp nhập: “Trước kia, trường bị sát nhập có 2 cô. Nay 2 cô vẫn phụ trách trường Phan Chu Trinh đó. Nhiệm kỳ của người ta 5 năm, giờ còn mấy năm nữa thì bảo lưu cho người ta. Công văn huyện ra để sáp nhập cũng nói điều chuyển hợp lý từ nay đến 2021. Phải sắp xếp cho đúng chứ, sao để như vậy được?”

Năm học này, ngành giáo dục huyện Ia Grai có 10 đơn vị sáp nhập thành 5. Ở cả 5 đơn vị này, chỉ có Hiệu trưởng trường bị sáp nhập xuống làm Phó hiệu trưởng, còn lại tất cả các Phó hiệu trưởng cũ đều yên vị. Mỗi trường hiện đang có từ 4 đến 5 Phó hiệu trưởng, tức mỗi trường dôi dư từ 2 đến 3 cán bộ quản lý. Và hiện nay, ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng có chung tình trạng này. Cá biệt, có trường mầm non sau sáp nhập dù chỉ có 10 lớp học, nhưng có tới 4 cán bộ quản lý.

Nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa của Gia Lai thiếu giáo viên giảng dạy.

Lý giải tại sao không chuyển Phó hiệu trưởng dôi dư xuống làm công tác giảng dạy, bảo lưu phụ cấp chức vụ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục, ông Dương Măh Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, lộ trình Trung ương cho phép sắp xếp từ nay tới năm 2021. Do đó, huyện sắp xếp trường trước, nhân sự sau: “Trung ương cho 3 năm để sắp xếp thì trong 3 năm đó chấp nhận dư. Sau 3 năm đó thì chúng tôi sắp xếp. Sau 3 năm nữa, nếu không nguyện vọng, không có vấn đề gì thì chúng tôi sẽ sắp xếp đúng theo Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng.”

Ông PhạmVăn Căn, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho rằng, việc các địa phương giữ cán bộ quản lý dôi dư, không sắp xếp họ vào công tác giảng dạy là chưa phù hợp quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, Quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

“Trường hạng 2 có thể có 2 hiệu phó, trường hạng 3 chỉ có 1 hiệu phó thôi. Đều theo quy định không thể làm trái. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là nếu dôi dư cán bộ quản lý thì phải xuống làm giáo viên. Trong hoàn cảnh dồn điểm trường, dồn lớp, điều chuyển giáo viên; Sở Nội vụ điều tiết biên chế ngành khác điều chuyển cho ngành giáo dục các huyện không thể chậm trễ. Thừa hiệu phó thì phải chuyển xuống làm giáo viên.”

Trong khi địa phương còn thiếu gần 2.000 giáo viên theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa qua UBND tỉnh Gia Lai cho phép tuyển thêm 745 biên chế, đồng thời chỉ thị một số ngành chuyển một lượng biên chế cho ngành giáo dục. Vậy, tại sao các Phó hiệu trưởng dôi dư sau khi sáp nhập không được chuyển sang làm công tác giảng dạy, để phần nào giảm tải áp lực thiếu giáo viên ở địa phương? .

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến