Dòng sự kiện:
Ngọn đuốc của lãnh đạo
14/05/2017 09:00:59
Người chăn nuôi lợn đang chết trong giấc mộng tưởng đã vàng son, khi mà giá lợn đang từ cao điểm 70 nghìn/kg, thương lái lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm để thu mua, thì đột ngột sụt dưới 30 nghìn/kg, rồi dưới 25 nghìn/kg.

Tất nhiên là trong tình trạng con lợn ăn sổ đỏ, ăn cả cơ ngơi, ăn luôn nước mắt người chăn nuôi thì lãnh đạo các Bộ liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương không thể khoanh tay ngồi im.

1. Năm 2014, Trung Quốc nhập 564 nghìn tấn lợn xẻ và 816 nghìn tấn phụ phẩm lợn của nước ta. Con số này tăng mạnh hơn vào năm 2015, 2016, những tháng đầu 2017 đẩy giá thịt lợn hơi xuất chuồng lên đến mức cao kỷ lục. Ngoài lợn thịt dạng siêu nạc ít mỡ, Trung Quốc còn nhập một lượng lớn heo sữa đông lạnh.

Năm 2017, dự kiến Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn thịt lợn từ các nước. Trung bình mỗi người dân dùng 41,5 kg thịt lợn. Nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu tổng thể, có thể thấy thịt lợn của nước ta chiếm gần 40% thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc. Thêm nữa, người Trung Quốc rất thích dùng loại thịt lợn với tỷ lệ nạc cao, ít mỡ.

Minh họa: Lê Phương.

Con lợn muốn đạt siêu nạc không còn cách nào khác là phải sử dụng những chất phụ gia tạo nạc. Điều nguy hại, lợn sử dụng chất phụ gia này trong vòng vài tuần nếu không tìm được nguồn tiêu thụ sẽ trở nên yếu, chết. Mặc dù rất đau lòng nhưng phải thừa nhận thực tế này từ những con lợn béo ú, chắc nịch bị vứt bỏ bên đường gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc như những hình ảnh mà chúng ta đã thấy trên mạng xã hội.

Ba năm tăng cường nhập khẩu lợn tại Việt Nam của Trung Quốc đủ để người chăn nuôi Việt Nam lâm vào giấc mộng chuồng trại với thị trường rộng lớn Trung Hoa đại lục. Và rồi, khi họ thông báo "xả kho thịt lợn đông lạnh", lợn nuôi nhanh chóng trở thành con tàu há mồm nuốt chửng gia sản của người chăn nuôi. Tất nhiên, lợn nuôi còn chết cả trong khâu trung gian mua bán, khi mà tư thương không từ bất cứ thủ đoạn nào để ép giá nhằm tăng lợi nhuận.

Không chỉ vấn đề lợn nuôi, trước đó nước mắt người nông dân đã khóc ròng trên những cánh đồng dưa hấu, cánh đồng thanh long... Thậm chí, là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược như tiêu, điều, cà phê, cao su.

2. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: "Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?".

Báo giới miêu tả, phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng đã nhắc đến tình cảnh của người nông dân. Trước đó vài hôm, khi truyền thông đưa tin dồn dập về cơn nguy khốn của người chăn nuôi, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều bộ ngành vào cuộc để giúp người chăn nuôi vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo này.

Quan trọng hơn là Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, hạn chế mở mới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; giảm quy mô đàn lợn, nhất là lợn nái, điều chỉnh cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường.

Rõ ràng, dẫu muốn dẫu không vẫn phải thừa nhận công tác quản lý nông nghiệp của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập, nếu không muốn nói là có phần quan liêu, thiếu trách nhiệm, xa rời người nông dân. Tình trạng này kéo dài từ vị bộ trưởng cũ cho đến vị bộ trưởng đương nhiệm.

Đời thuở nào một đất nước có truyền thống lẫn thế mạnh là nông nghiệp như nước ta mà nhiều năm trở lại đây năm nào cũng xôn xao điệp khúc giải cứu. Cứu đủ thể loại nông sản, giờ cứu luôn cả thịt lợn.

Trong lúc Chính phủ đã phân công từng bộ, ngành những nhệm vụ cụ thể, từng bộ, ngành lại có những ban, cục với những chức năng hành động được quy định hẳn hoi.

Vậy mà, cuối cùng người nông dân vẫn phải rơi nước mắt, nói theo cách của chuyên gia Võ Tòng Xuân trong lần trao đổi với tôi là: "Người nông dân Việt Nam tự do nhất thế giới".

Muốn làm gì làm, muốn trồng gì trồng, muốn nuôi gì thì nuôi... thuế, phí cứ đóng đủ là được.

3. Nhìn tổng thể người nông dân đang đối diện quá nhiều nguy cơ có thể dẫn đến rủi ro, từ phân bón giả cho đến thuốc trừ sâu bày bán tràn lan, rồi chất phụ gia tạo nạc, thực phẩm chăn nuôi chứa chất tăng trọng.

Người nông dân hồn nhiên thì người quản lý lại càng phải có trách nhiệm hướng dẫn, càng phải đi sâu đi sát. Thậm chí là cầm tay chỉ việc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thực hiện các chính sách khuyến nông, tham vấn đúng đắn. Bộ Công thương phải có nhiệm vụ tìm thị trường mới, thị trường bền vững. Song song với những giải pháp gỡ khó gỡ rối, giúp người nông dân có thêm điều kiện thuận lợi nuôi trồng, để nâng cao đời sống.

Chứ người nông dân lâm vào tình trạng ngửa mặt nhìn trời than thân trách phận thì còn hy vọng gì vào sự phát triển của nông thôn, còn hy vọng gì vào sự thành công của chương trình nông thôn mới vốn đã tiêu tốn mấy vạn, mấy trăm nghìn tỷ.

Quan trọng hơn, lãnh đạo phải là ngọn đuốc soi đường cho người nông dân bước đi. Lãnh đạo phải biết xấu hổ khi không giữ được ánh sáng của ngọn đuốc, lãnh đạo phải biết hổ thẹn khi chứng kiến cảnh người nông dân than khóc, phải biết đau khi con lợn bị vứt bỏ, quả thanh long bị chín úng rơi đỏ ngoài vườn.

Dân yếu thì lãnh đạo mạnh làm sao, dân khóc thì lãnh đạo cười làm sao, có mỗi điều đơn giản này mà không hiểu thì còn làm gì được nữa!

Theo CAND

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến