Dòng sự kiện:
Ngổn ngang không gian ngầm
18/04/2018 18:16:07
Sức ép của một đô thị xấp xỉ 13 triệu dân đang buộc TPHCM phải tính tới chuyện khai thác không gian ngầm để giảm bớt áp lực quá tải về hạ tầng đô thị.

Tuy nhiên, bên dưới lòng đất tưởng yên bình hóa ra cũng đang "nhộn nhịp" không kém với vô số dây cáp, đường cống chằng chịt... Đây là bài toán nan giải khi cơ quan chức năng bắt tay vào lập một quy hoạch xây dựng không gian ngầm tại khu vực trung tâm thành phố.

Một hạng mục công trình ngầm đang được thi công tại TPHCM - Ảnh: Duy Quốc

Để dễ hình dung, có thể bắt đầu từ khu vực lòng đất của vùng lõi TPHCM với diện tích 930 héc-ta, nơi cách đây hàng trăm năm trước đã có các tuyến cống thoát nước, ống cấp nước sạch kiên cố được xây dựng và vẫn đang được sử dụng cho đến ngày hôm nay. Trong những năm gần đây, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên tận dụng không gian ngầm làm bãi giữ xe, trung tâm thương mại. Thêm vào đó là ngành điện, viễn thông vì bộ mặt cảnh quang đô thị cũng đã thực hiện các dự án ngầm hóa hàng ngàn ki-lô-mét dây điện và cáp viễn thông. Chưa kể, kế hoạch xây dựng mốt số tuyến tàu điện ngầm cũng được khởi động ở vùng lõi trung tâm. Tất cả đang biến không gian dưới lòng đất thành phố trở nên nhộn nhịp không kém không gian bên trên.

Các tầng sâu khác nhau dưới lòng đất đang án ngữ các công trình với quy mô và công năng khác nhau. Ở độ sâu khoảng 27-28 mét hiện nay là không gian ngầm của các tuyến đường sắt đô thị. Tiến dần lên trên mặt đất, ở độ sâu 8 mét là tầng hầm của các tuyến đường vượt bộ hành; ở độ sâu 3 mét là cống thoát nước thải; ở độ sâu 2 mét là mạng lưới đường ống cấp nước sạch. Và cuối cùng, gần với mặt đất nhất, ở độ sâu 0,5-1,8 mét là hệ thống dây điện và cáp viễn thông.

Không những nhiều tầng nấc khi xét về độ sâu dưới lòng đất mà việc quản lý, vận hành các công trình  dưới lòng đất hiện nay cũng rối rắm, nhiêu khê. Một chuyên gia tại một cuộc họp chuyên ngành giao thông đã than thở rằng khi đào một đoạn đường ở khu trung tâm phát hiện chằng chịt dây cáp khác nhau được quản lý và vận hành bởi 15 đơn vị khác nhau nên việc truy tìm đâu là nguyên nhân gây ra "hố tử thần" gặp vô vàn khó khăn.  

Vậy nên, các cơ quan chức năng của thành phố khi khởi động việc lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm lại phải đau đầu khi tìm cách xóa "mạng nhện dưới lòng đất", hoặc sắp xếp sao cho các công trình hạ tầng kỹ thuật nói trên quy về một mối, dành khoảng không phù hợp để khai thác các công trình ngầm sau này. Làm được việc này đòi hỏi tốn kém khá nhiều kinh phí và thời gian.

Lại có ý kiến cho rằng, cái khó trong xử lý các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện nay xuất phát từ sự thiếu quy hoạch bài bản trong việc ngầm hóa các công trình trước đây, thiếu cơ sở dữ liệu tập trung được quản lý thống nhất bởi một cơ quan, để khi cần là có thể sử dụng làm dữ liệu đầu vào cho các nghiên cứu phát triển không gian ngầm sau này.

Thậm chí, nhiều tòa nhà cao tầng tại các tuyến đường chính khu trung tâm hiện nay muốn lục tìm lại hồ sơ về dữ liệu kỹ thuật công trình cũng không phải là điều dễ dàng. Ví dụ, nếu muốn quy hoạch một tuyến phố ngầm dưới đường Đồng Khởi (quận 1) hiện nay cần phải nắm toàn bộ dữ liệu về nền móng các công trình hai bên đường (chủ yếu được chủ đầu tư nộp về cơ quan chức năng để hoàn công) cao thấp khác nhau nhằm phục vụ cho việc chống rung khi xây dựng. Từ đó, có thể thấy việc khai thác không gian ngầm cũng khó như mò kim đáy bể bởi hồ sơ trải qua hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm khó có cơ quan, tổ chức nào lưu trữ hết được.     

Bài học ở nhiều đô thị hiện đại có bề dày phát triển hàng trăm năm, ban đầu khi lập quy hoạch đô thị người ta đã tính tới việc xây dựng các đường hầm lớn cố định và mang tính lâu dài. Nơi đây được sử dụng để chứa các đường dây hạ tầng kỹ thuật chung như điện, nước, hệ thống thoát nước, viễn thông ... nên khi có nhu cầu khai thác không gian ngầm thì mọi chuyện trở nên đơn giản hơn nhiều.

Nhiều nước còn xem không gian dưới mặt đất là tài nguyên phát triển đô thị, tài nguyên này phục vụ xây dựng các công trình ngầm không ảnh hưởng đến các công trình bên trên. Đặc biệt, ở nhiều nơi người ta cho rằng tài nguyên dưới mặt đất không phải là vô tận mà có khả năng dần cạn kiệt nên việc sử dụng và dự trữ là điều họ luôn tính tới trong quy hoạch phát triển đô thị. Nhật Bản vốn có quỹ đất đô thị hạn hẹp nhờ vào quy hoạch phát triển không gian ngầm hợp lý mà giờ đây họ trở thành nước đi đầu trong sử dụng không gian ngầm hợp lý với hệ thống tàu điện ngầm (subway), khu mua sắm ngầm (underground shopping mall), cao tốc ngầm (underground expressway), phố đi bộ ngầm (underground passage), hầm kỹ thuật chung (common conduit), bể chứa nước và sông ngầm chống ngập...

Từ đó, đối với TPHCM, vốn có mật độ xây dựng dày đặc, thì khi bắt đầu lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm khu trung tâm, ngoài việc xóa "mạng nhện" hiện hữu dưới lòng đất còn phải có giải pháp để tránh tình trạng "mạng nhện ngầm" phát sinh ở các khu đô thị mới, vùng ven đô.

Các số liệu thống kê được giới chuyên gia quy hoạch đô thị dẫn chứng là một đô thị hiện đại thường có t lệ công trình ngầm chiếm khoảng 20-25% tổng số lượng các dạng công trình nên TPHCM một khi muốn phát triển không gian ngầm không chỉ tính tới việc ngầm ở đâu mà cần tính đến hiệu quả khi các công trình kết nối tới mức nào với nhiều tầng sử dụng, chức năng khác nhau tránh kiểu xây dựng tập trung, dồn cục để rồi sẽ dễ dẫn đến cảnh "trên tắc, dưới nghẽn".

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến