Dòng sự kiện:
Người giúp việc hành hạ trẻ hơn 1 tháng tuổi sẽ bị xử lý như thế nào?
23/11/2017 20:01:05
Nếu chứng minh được hành vi bạo hành lặp đi lặp lại nhiều lần và/hoặc có những hành vi tàn ác khác, người giúp việc có thể bị truy tố hình sự với mức phạt từ 1 đến 3 năm tù.

Tối 22/11, tài khoản Facebook N.P đăng tải đoạn video gần 2 phút lên trang cá nhân ghi lại cảnh người giúp việc dùng tay bóp miệng, đập vào đầu, tung con mình lên cao khiến nhiều người phẫn nộ.

Đáng nói, em bé bị người giúp việc hành hạ mới chỉ 47 ngày tuổi. Chị N.P., mẹ bé gái cho biết, con chị bị hành hạ trong các ngày 20 - 22/11 tại nhà riêng ở phường Quang Trung, TP Phủ Lý (Hà Nam). 

Trao đổi với PV về sự việc này, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco chia sẻ: "Qua các thông tin đăng tải trên mạng xã hội về sự việc cháu bé hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc hành hạ, bản thân tôi thực sự thấy bức xúc và vô cùng lên án. Đó là một hành vi phi nhân tính và đáng lên án, đáng bị xử lý một cách nghiêm khắc".

Người giúp việc đánh vào mặt em bé 47 ngày tuổi. Ảnh cắt từ clip

Theo vị luật sư này, dưới góc độ pháp luật, chúng ta cần điều tra và xác minh kỹ thông tin để kiểm chứng về độ chính xác của clip và nếu clip là trung thực thì cần xác mình một số thông tin liên quan, như hành vi này có phải diễn ra liên tục nhiều lần hay không; quan hệ giữa cháu bé với người có hành vi hành hạ là như thế nào và tổn thương về tinh thần và thể xác đối với cháu bé như thế nào?

Những thông tin như vậy là cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của người giúp việc và mức độ của trách nhiệm như thế nào.

Theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) về tội hành hạ người khác thì: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; Đối với nhiều người.

Luật sư Hà Huy Phong cũng nêu ra một số điểm cần lưu ý trong vụ việc này:

- Không phải mọi hành vi đối xử tàn ác đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, mà chỉ trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ: hành vi đối xử tàn ác diễn ra liên tục hoặc nhiều lần. Bên cạnh đó, nếu người có hành vi tác ác với nạn nhân có quan hệ gia đình hoặc nuôi dưỡng thì sẽ bị xem xét theo quy định tại Điều 151 về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.

- Điều 110 Bộ luật hình sự không quy định về hậu quả xuất phát từ hành vi. Do đó, để xem xét trách nhiệm hình sự, chỉ cần điều tra và có đủ chứng cứ về hành vi, về mối quan hệ giữa nạn nhân và người có hành vi tàn ác là có thể xử lý trách nhiệm hình sự.

- Theo quy định nêu trên, thì trẻ em là một chủ thể đặc biệt cần được xã hội bảo vệ, chăm sóc, do đó, nếu nạn nhân là trẻ em thì sẽ cấu thành yếu tố tăng nặng, với mức xử lý hình sự cao hơn so với nạn nhân là người trưởng thành.

Cũng theo Luật sư Phong, Điều 110 nêu trên không có quy định về trường hợp trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng về sức khỏe, sang chấn tâm lý… Tuy nhiên, nếu có những hậu quả như vậy xảy ra thì chắc chắn cơ quan công tố và cơ quan xét xử sẽ xem xét và xử lý theo hướng nặng hơn so với trường hợp nạn nhân là người trưởng thành.

Bảo Khánh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến