Dòng sự kiện:
Người 'ngã ngựa'
06/01/2019 15:01:38
Năm 2018 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một số doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng (bankers) tiếng tăm một thời hoặc bị khởi tố, tạm giam hoặc bị ra tòa.

Sự thăng trầm trong “nghiệp kinh doanh tiền” - nếu có thể tạm gọi như vậy - của họ là điều mà dư luận xã hội đã và đang theo dõi, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc nhìn nào, giờ đây họ cũng là những bankers “ngã ngựa”. Bài viết này chỉ góp một vài chi tiết trong góc khuất mà tác giả thu lượm được về một trong số họ: Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng. Những bài viết về một số bankers khác, chúng tôi sẽ đăng tải dần khi điều kiện cho phép.

Năm 2018 chứng kiến một loạt sự thăng trầm của một số doanh nhân trong “nghiệp kinh doanh tiền”.

Cuối tháng 6/2014, khoảng một tháng trước khi bị khởi tố và bắt giam, ông Phạm Công Danh đồng ý trả lời phỏng vấn của người viết bài này. Khi ông Danh hỏi phỏng vấn về chuyện gì, tôi không úp mở: “Tìm hiểu số tiền tài trợ cho lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng”. Ông hẹn 9 giờ sáng tại một chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM.

Sáng ấy, khi tôi có mặt, người phụ trách truyền thông của ngân hàng nói ông Danh có cuộc họp ở chi nhánh Tô Hiến Thành, quận 10. Tôi qua chi nhánh Tô Hiến Thành, ngồi đợi tầm 30 phút thì ông Danh và ông Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng, đi vào. Ông hỏi có muốn một ly cà phê không, và nói luôn “Nhà báo cứ việc hỏi thẳng, tôi trả lời hết”.

“Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Xây dựng lúc cao nhất là bao nhiêu và hiện còn bao nhiêu?”. Ông Danh bảo: “Cái này anh Mai trả lời chính xác hơn”. Ông Mai mở lời: “Xây dựng vẫn đang trong tình trạng kiểm soát của cơ quan quản lý, mọi số liệu có lẽ không phải để đăng tải, nhưng chúng tôi không giấu. Khi chúng tôi (chỉ sang ông Danh) vào, nợ xấu trên tổng dư nợ là 95%”. Tôi nhìn vào mắt ông Mai, rồi khoanh tròn con số 95% vào sổ, ông gật đầu. “Hiện nay thấp hơn nhiều. Chúng tôi đã đảm bảo được thanh khoản gấp ba lần yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”.

“Vì sao Xây dựng tình hình tài chính xấu thế mà ông quyết định vào?” - tôi quay sang ông Danh. Ông nhấp một miếng nước trà, rồi cười váng lên: “Đến tôi cũng không biết tại sao. Nhưng đã lỡ rồi”. “Ông thông báo Ngân hàng Xây dựng tăng vốn lên 7.500 tỉ đồng, vậy tiền cổ đông đã nộp đủ chưa?”. “Nộp đủ rồi chứ. Chúng tôi đang đợi giấy phép của NHNN”.

Sau này, trong một lần người viết bài này phỏng vấn người đứng đầu NHNN thời điểm bấy giờ về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khi đề cập đến Ngân hàng Xây dựng, ông thừa nhận số tiền 4.500 tỉ đồng để tăng vốn đã được các cổ đông nộp vào tài khoản ở NHNN và đang được phong tỏa. Như vậy, việc các cổ đông Ngân hàng Xây dựng tiến hành tăng vốn điều lệ ngân hàng là thực.

Cuộc phỏng vấn ông Danh và ông Mai tạm dừng vào giữa trưa. Ông Danh mời cơm trưa tại nhà ăn của ngân hàng. Lúc ra khỏi phòng họp, ông Danh chỉ tay: “Khu đất Tô Hiến Thành ba mặt tiền đường, đã được thế chấp vào ngân hàng. Một phần Xây dựng cho siêu thị Big C thuê. Ở giữa sân, đối diện ngay lối vào, là một phòng giao dịch của BIDV. Tôi hỏi: “BIDV cũng thuê ở đây?”. Ông Danh gật đầu. Ông nói tập đoàn Thiên Thanh đã xin mua lại toàn bộ khu đất, đang làm giấy tờ, giá vài ngàn tỉ đồng (xin không nói số chính xác - NV).

Nhà ăn của ngân hàng nằm ở phía sau, lối đi qua mấy cửa. Ban lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng cùng ăn bữa trưa hôm ấy có khoảng chục người, quanh cái bàn rộng. Ông Danh nói nhiều về thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng, có lẽ vì cả cái khu Tô Hiến Thành, quận 10 đầy các cửa hàng vật liệu xây dựng.

Khi nói chuyện, có cảm tưởng ở ông Danh toát lên một “niềm say mê” với vật liệu xây dựng, bất động sản. Ông tin chẳng kinh doanh cái gì tốt hơn bất động sản và rằng bất động sản trước sau cũng lên giá. Thật khó diễn tả vì sao lại có cảm giác đó. Ông kể nhiều năm trước khi ông mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, người ông chạm trán đầu tiên trong làm ăn là ông... Trầm Bê!

“Dạo đó tôi tìm mua được một khách sạn cỡ nhỏ, mini, ở quận 5. Đã thỏa thuận xong với người chủ về giá cả, gần 140 tỉ đồng. Tôi đã đặt cọc 10%, hẹn hôm sau trả nốt phần còn lại” - ông thủng thẳng kể khi bữa trưa kết thúc và mọi người có mặt chuyển sang bàn uống trà. Chiều muộn cùng ngày không biết do ai mách, ông Bê thương lượng được với chủ khách sạn, giá cao hơn 10%, và ông trả luôn toàn bộ bằng tiền mặt. Sáng hôm sau, ông Danh đến tận nơi mời chủ khách sạn ra ngân hàng nhận tiền chuyển khoản, mới ngã ngửa khi biết khách sạn đã sang tay cho người khác. Chủ khách sạn trả lại ông Danh tiền cọc và... chấm hết!

Khi biết tên người mua, ông Danh tìm đến ông Trầm Bê hỏi mua lại. Cái khách sạn ấy làm ăn được, ông Danh rất muốn sở hữu nó. Ông Bê không vòng vèo: “Giá bây giờ cao hơn 15%”. Ông Danh đành chấp nhận thêm 15% để có khách sạn. Ông nghiệm ra một điều sở dĩ ông Bê có ngay cả trăm tỉ tiền mặt để trả cho chủ khách sạn vì ông Bê đang là chủ một ngân hàng. “Cái lợi thế của một ông chủ ngân hàng giá trị lắm”, ông Danh nói.

Ông Danh cam kết chuyện ông kể trên là thật 100%. Người viết bài này bán tin bán nghi, nghĩ một lúc nào đó thuận lợi, sẽ hỏi ông Trầm Bê để kiểm chứng. Cho đến khi đó, mối quan hệ của ông Danh và ông Bê chỉ trong phạm vi những người cùng kinh doanh ngân hàng. Tôi hỏi ông Danh rằng ông có hay gặp ông Bê không, ông trả lời lâu rồi không gặp, mà cũng ít khi nói chuyện.

Ngày 25/12/2018, Tòa án Nhân dân tối cao tại TPHCM tuyên án xét xử phúc thẩm vụ án Ngân hàng Xây dựng giai đoạn 2, theo đó tòa phán quyết ông Danh và đồng phạm đã chuyển 4.500 tỉ đồng vào tài khoản của Ngân hàng Xây dựng tại Sở Giao dịch NHNN để tăng vốn điều lệ. Tòa tuyên “Không có căn cứ cho thấy Phạm Công Danh tăng vốn điều lệ cho cá nhân mình nên tòa sơ thẩm ghi nhận 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Xây dựng là có căn cứ, cần thu hồi để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, đảm bảo ngân sách nhà nước”. Ngân hàng Xây dựng sẽ phải trả 4.500 tỉ đồng cho ông Danh và các cổ đông và số tiền sẽ được thu hồi để khắc phục một phần hậu quả vụ án. 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến