Dòng sự kiện:
Nhiều cổ phiếu đối mặt nguy cơ dời sàn bắt buộc
20/03/2018 06:15:45
Tình hình tài chính kém khả quan cùng với những chậm trễ trong việc công bố thông tin là nguyên nhân khiến nhiều cổ phiếu đang đứng trước nguy cơ phải rời sàn trong thời gian tới.

Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Tính đến ngày 12/3, chỉ số VN-Index tăng 139 điểm so với cuối năm 2017, tương ứng mức tăng trên 14%. Nhiều cổ phiếu tiếp tục đạt đỉnh cao mới. Nhà đầu tư cũng tiếp tục mạnh tay vào những cổ phiếu có kết quả kinh doanh hiệu quả trong năm 2017 hoặc bắt đầu có sự hồi phục trở lại sau giai đoạn tái cấu trúc.

Mặc dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận những DN chưa thể thoát khỏi tình trạng thua lỗ, thậm chí, một số DN đang phải đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết. Bởi theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP, DN bị hủy niêm yết bắt buộc trên thị trường chứng khoán khi có kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán; DN vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp...

Việc hủy niêm yết sẽ giúp thị trường thanh lọc những cổ phiếu có chất lượng kém. Ảnh: N.Hiền.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2017, những DN như Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT), Công ty CP XNK Tổng hợp 1 Việt Nam (TH1), Công ty CP Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE), Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT)… đã liên tục lỗ trong 3 năm và hiện đang đối diện với hủy niêm yết bắt buộc. Tháng 3 là thời hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán của các DN niêm yết. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có TH1 đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Song, tại những DN còn lại cũng sẽ khó có bất ngờ xảy ra khi mà báo cáo tài chính tự lập của công ty đều thua lỗ.

Trong khi đó, án hủy niêm yết của Công ty CP Chăn nuôi – Mitraco (MLS) là bất ngờ lớn nhất của thị trường khi trước đó, công ty có kết quả kinh doanh rất khả quan trong năm 2016 với lãi ròng gần 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ trên thị trường thịt heo đã khiến lợi nhuận sau thuế của MLS năm 2017 bị âm tới 45,7 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu chỉ còn 6,3 tỷ đồng.

Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng có văn bản cảnh báo Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) về việc có thể bị hủy niêm yết bắt buộc nếu tiếp tục chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017.

Trước đó, HoSE đã có nhắc nhở cả 2 công ty này về việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 công ty mẹ và hợp nhất; chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 công ty mẹ và hợp nhất. Như vậy, cả 2 công ty đều đã chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm liên tiếp. Nếu không thực hiện đầy đủ yêu cầu về thời gian nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 thì đây sẽ là năm thứ 3 HAG và HNG chậm công bố thông tin và đang đối mặt với việc bị hủy niêm yết.

Bên cạnh những DN đang phải đối mặt với “án” hủy niêm yết do kết quả kinh doanh kém khả quan, thị trường cũng ghi nhận hàng loạt cổ phiếu khác trong diện kiểm soát đặc biệt, hạn chế giao dịch do vi phạm công bố thông tin, lỗ lũy kế sát vốn điều lệ...

Điển hình như Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định, Công ty CP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán khi đã bị đưa vào diện cảnh báo, Công ty CP Hùng Vương (HVG) do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ HVG năm 2016 và 2017 lần lượt âm 49 tỷ đồng và âm 713 tỷ đồng, Công ty CP Văn hóa Phương Nam (PNC) với lợi nhuận sau thuế năm 2017 là âm 66,51 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 là âm 105,86 tỷ đồng…

Những cú “lội ngược dòng”

Bên cạnh những câu chuyện kém khả quan như trên, nhiều DN cũng đã “lội ngược dòng” ngoạn mục vào phút chót nhờ khoản lãi đột biến trong quý IV/2017 giúp cổ phiếu thoát án hủy niêm yết vốn dĩ đã rất cận kề.

Cụ thể, sau khi thua lỗ liên tiếp trong hai năm 2015, 2016 và 3 quý đầu năm 2017, cổ phiếu SCJ của Công ty CP Xi măng Sài Sơn tưởng như đã nắm chắc trong tay việc hủy niêm yết. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý IV/2017 của công ty này bất ngờ ghi nhận lãi ròng 44,2 tỷ đồng, không những kết thúc chuỗi thua lỗ kéo dài 5 quý liên tiếp, bù hết lỗ 9 tháng đầu năm mà còn thặng dư lợi nhuận sau thuế cả năm 6,2 tỷ đồng.

Tương tự, báo cáo tài chính quý IV/2017 của Công ty CP Sông Đà 7 (SD7) cũng ghi nhận 3,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lũy kế cả năm đạt 37 triệu đồng, vừa đủ để thoát cảnh thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp. Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS) cũng gây bất ngờ lớn khi bất ngờ báo lãi 242 tỷ đồng trong quý IV/2017, lũy kế cả năm, công ty đạt gần 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chấm dứt chuỗi ngày thua lỗ kéo dài suốt từ năm 2015 đến nay.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả kinh doanh căn cứ trên báo cáo tài chính tự lập của DN, việc có chắc chắn thoát án hủy niêm yết hay không, còn phải chờ vào báo cáo tài chính kiểm toán. Mặc dù vậy, dù có thoát án thành công, những cổ phiếu này vẫn cần phải nỗ lực rất lớn để có thể lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, khi mà tình hình tài chính vẫn cho thấy nhiều rủi ro cần chú ý.

Theo báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến