Dòng sự kiện:
Nhôm Việt Pháp liệu có bị từ ‘của chung’ biến thành ‘của riêng’?
23/07/2019 17:34:27
Nhiều doanh nghiệp cho rằng một đơn vị đã có động cơ thiếu trong sáng khi sử dụng tên dùng chung “Nhôm Việt Pháp” đi đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Như thông tin chúng tôi đã đăng tải,  việc Công ty CP Nhôm Việt Pháp SHAL - NM Nhôm Việt Pháp (Nhôm Việt Pháp SHAL Ninh Bình) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL” đang gây khó khăn cho hàng loạt DN kinh doanh trong ngành sản xuất nhôm thanh định hình.

Trong một động thái mới đây, nhiều doanh nghiệp đã khiếu nại và cho rằng Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy Nhôm Việt Pháp dùng “tên chung” để biến thành tên riêng. Cơ sở pháp lý các doanh nghiệp đưa ra là Viện khoa học Sở hữu trí tuệ đã có những kết luận xung quanh bằng bảo hộ nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL”.

Bằng chứng cho thấy ông Trần Nam Trung (Cổ đông của Công ty CP Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy Nhôm Việt Pháp) từng là Phó giám đốc Công ty Nhôm Việt Pháp

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho hay, Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy Nhôm Việt Pháp đã có động cơ không trung thực khi dùng từ “Nhôm Việt Pháp SHAL” đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Đại diện Công ty Nhôm Việt Pháp bức xúc: “Từ Nhôm Việt Pháp là tên thương mại đã được xác lập và bảo hộ của Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy Nhôm Việt Pháp chúng tôi. Qua rất nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Nhà máy Nhôm Việt Pháp vẫn giữ nguyên tên thương mại “Nhôm Việt Pháp” trong các giao dịch của mình để nhằm phân biệt với các chủ thể kinh doanh khác cho đến tận thời điểm hiện tại.”

Theo các doanh nghiệp, chủ sở hữu nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL đã có động cơ không trung thực trong quá trình đăng ký và sử dụng nhãn hiệu. Cơ sở được các doanh nghiệp đưa ra là ông Trần Nam Trung - cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần LD Nhôm Việt Pháp - Nhà máy Nhôm Việt Pháp là một nhân viên đã từng làm việc tại Công ty Nhôm Việt Pháp.

Đại diện Công ty Nhôm Việt Pháp cho biết: Ông Trung chính thức được bổ nhiệm vai trò Giám đốc kinh doanh từ đầu năm 2010 (Quyết định bổ nhiệm số 01 ngày 26/02/2010) phụ trách việc phát triển sản phẩm, phát triển thị trường và bán hàng tại các tỉnh, thành (thể hiện trong các biên bản họp). Khi nghỉ việc, ông Trung được Công ty thanh toán tiền BHXH do không tham gia BHXH bắt buộc (từ tháng 05/2010 đến hết tháng 12/2012).

Ngoài các việc phát triển kinh doanh nói chung, ông Trung được giao nhiệm vụ trực tiếp phát triển hệ nhôm SHAL, thủ tục pháp lý liên quan đến nhãn hiệu trong thời gian làm việc tại Công ty Nhôm Việt Pháp.

Theo Công ty nhôm Việt Pháp, trong thời gian đang là Phó giám đốc công ty nhôm Việt Pháp, ông Trung còn là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy Nhôm Việt Pháp. Sau hơn một năm làm việc cho Công ty Nhôm Việt Pháp, ông Trung đã cùng với các cổ đông của mình thực hiện việc đổi tên công ty từ Công ty cổ phần Xây dựng, Sản xuất và Thương mại Nam Thăng Long thành Công ty cổ phần LD Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy Nhôm Việt Pháp SHAL vào ngày 02/08/2011.

Câu hỏi đặt ra là, khi đang là cán bộ giữ vị trí then chốt của Công ty Nhôm Việt Pháp, lại vừa là cổ đông của công ty Nam Thăng Long (tên cũ của Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy Nhôm Việt Pháp), liệu có sự thiếu trung thực khi công ty này sử dụng tên “nhôm Việt Pháp Shal” đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngay sau khi ông Trung nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho Công ty Nhôm Việt Pháp?

 Hiện đang có hàng chục đơn vị sử dụng tên chung Nhôm Việt Pháp và Nhôm Việt Pháp SHAL

Cộng đồng các doanh nghiệp nhôm thanh định hình tại Việt Nam không ngừng tranh cãi về thông tin những chữ “nhôm Việt Pháp”, “nhôm hệ Việt Pháp”, “nhôm Việt Pháp SHAL”… là tên phố biến được dùng chung hay là nhãn hiệu riêng được cơ quan nhà nước bảo hộ.

Tranh cãi kể trên càng trở nên căng thẳng hơn khi một doanh nghiệp xin được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu cho tên “Nhôm Việt Pháp SHAL”. Từ cơ sở này, doanh nghiệp đó (Công ty Cổ phần nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy nhôm Việt Pháp) đã tố cáo các đơn vị khác xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” của mình.

Trước làn sóng tranh cãi giữa các doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã chính thức lên tiếng.

Theo Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phải hội tụ đủ 3 yếu tố sau: Thứ nhất là dấu hiệu được gắn (thể hiện, trình bày) trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo, phương tiện kinh doanh khác. Thứ hai là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu. Thứ ba là được sử dụng một cách không hợp pháp, cụ thể là đối tượng được người thứ ba sử dụng nhưng không được chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc không được pháp luật cho phép.

Xét những tiêu chí kể trên, có một yếu tố không đáp ứng. Đó là những chữ “nhôm Việt Pháp”, “hệ SHAL”, “hệ Pma”, “Việt Pháp”… là thuật ngữ được dùng phổ biến bởi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhôm thanh định hình, vì vậy nó không có khả năng gây nhâm lẫn về nguồn gốc sản phẩm với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL” đã được đăng ký bởi Cục Sở hữu trí tuệ.

Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ phân tích, các danh từ kể trên được sử dụng phổ biến bởi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhôm thanh định hình để chỉ và phân biệt các chủng loại sản phẩm tương ứng. Nghĩa là các thuật ngữ nói trên không thực hiện chức năng phân biệt nguồn gốc sản phẩm (một chủng loại có thể do các doanh nghiệp khác nhau sản xuất, tức là có các nguồn gốc khác nhau).

Một điểm nữa cũng được Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ nói tới, chữ “nhôm Việt Pháp” đã được rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhôm thanh định hình sử dụng từ lâu với danh nghĩa là tên thương mại. Tương tự, chữ “SHAL” cũng đã được nhiều đơn vị doanh nghiệp sử dụng từ lâu. Trong bối cảnh này, bản thân các chữ kể trên đã mất khả năng tự phân biệt nguồn gốc của nhôm thanh định hình cũng như các sản phẩm khác cấu tạo từ nhôm thanh định hình. Vì vậy, các chữ “nhôm”, “nhôm Việt Pháp”, “SHAL” chỉ gây ấn tượng tương tự về hình thức chứ không có tác dụng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu.

Từ những phân tích nêu trên, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận không đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu “nhôm hệ Việt Pháp” (hoặc nhôm Việt Pháp) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL đã được bảo hộ.

Nhóm PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến