Dòng sự kiện:
Những 'cơn lốc' thâu tóm đình đám nhất 2018
27/12/2018 06:00:12
Thâu tóm và sáp nhập (M&A) đang được xem là phương thức hiệu quả nhất giúp các doanh nghiệp phát triển. Xu thế qua từng thời kỳ có khác nhau nhưng mục đích chiếm lĩnh thị trường ngành vẫn là điểm hội tụ.

Tuy thị trường Việt Nam năm 2018 không ghi nhận thương vụ khủng như ThaiBev - Sabeco của năm 2017 nhưng cũng có khá nhiều thương vụ đình đám, nhận được không ít sự quan tâm của dư luận. Cùng chúng tôi điểm mặt những thương vụ có tiếng trong năm.

Các thương vụ trong hệ sinh thái Vingroup

VinEco mua lại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (mã VTF), cổ đông đã thông qua việc cổ đông hiện hữu là Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco (công ty con hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn Vingroup) nhận chuyển nhượng thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại VTF. 

Theo như VTF, hiện VinEco đang sở hữu 25 triệu cổ phần, tương ứng 24% tổng cổ phần, mặc dù trước đó chưa hề có thông tin về giao dịch này. Công ty này sẽ nhận chuyển nhượng thêm tối đa 37,6 triệu cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 60% VTF.

GIC đầu tư vào Vinhomes

Thương vụ M&A bất động sản điển hình năm 2017 - 2018 là GIC đầu tư vào Vinhomes. Như công bố, GIC đầu tư 1,3 tỷ USD, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,74% và trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 20/4 dưới hai hình thức là đầu tư mua cổ phần và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Thời điểm nhận đầu tư, Vinhomes đang điều hành 10 dự án với tổng số gần 18.000 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại.

GM Việt Nam bán mình cho VinFast

Tháng 6/2018, Công ty VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký kết một thoả thuận hợp tác chiến lược quan trọng với General Motors (GM). Theo đó, VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Đồng thời, VinFast sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM Việt Nam tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng xe ô tô cỡ nhỏ hoàn toàn mới được VinFast mua bản quyền từ GM.

VinCommerce mua toàn bộ hệ thống siêu thị Fivimart

Tháng 9/2018, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart. Thương vụ nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart vào năm 2020.

Với việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, VinCommerce đã chính thức sở hữu toàn bộ hệ thống gồm 23 siêu thị Fivimart. Đây là một trong những đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu các điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương.

Thâu tóm Viễn Thông A

Sau một thời gian dài đồn đoán, tháng 11/2018, Vingroup đã sở hữu 64,46% vốn tỷ lệ lợi ích tại CTCP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Viễn Thông A và đồng thời nắm 100% quyền biểu quyết. 

Viễn Thông A được thành lập vào tháng 11/1997, đến thời điểm "đổi chủ" đã có 200 cửa hàng và 100 trung tâm bảo hành trên khắp Việt Nam. 

Thương vụ ngược dòng ta mua tây

Giữa tháng 7, Tập đoàn FPT chính thức sở hữu 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Tổng giá trị thương vụ khoảng 50 triệu USD, trong đó FPT sẽ tra ngay 30 triệu USD, phần còn lại sẽ được trả dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm.

Tại thời điểm bán 90% cổ phần cho FPT, Intellinet được đánh giá là công ty tư vấn công nghệ phát triển nhanh nhất tại Mỹ với doanh thu năm 2017 khoảng 30 triệu USD và hơn 200 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500.

Đây là lần đầu tiên một công ty CNTT Việt Nam mua một công ty tư vấn của Mỹ. Việc mua bán, sáp nhập (M&A) được xem là một trong những bước đi chiến lược của FPT Software để hiện thực hóa tham vọng 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Các thương vụ từ dòng vốn ngoại

Shinhan mua lại công ty tài chính Prudential Việt Nam

Tháng 1/2108, thông qua Công ty con Shinhan Card, Tập đoàn tài chính Hàn Quốc Shinhan đã chi 151 triệu đô la Mỹ, khoảng 3.400 tỷ đồng mua lại Công ty TNHH Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) của Tập đoàn Prudential, sau khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Thương vụ này đánh dấu sự rút lui của Prudential khỏi lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam sau hơn 10 năm hoạt động nhằm tập trung vào hoạt động cốt lõi, nhưng với Shinhan là sự thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này.

Lottecard thâu tóm 100% TechcomFinance

Lotte Card Co., một thành viên của Lotte Group mua lại 100% vốn của Công ty TechcomFinance, tổ chức tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép phát hành thẻ tín dụng (giấy phép phát hành thẻ tín dụng), từ Techcombank.

Giá chuyển nhượng của thương vụ này lên tới 87,5 tỷ won, tương đương 1.734 tỷ đồng, gấp 2,89 lần vốn điều lệ của TechcomFinance (600 tỷ đồng).

Nhựa Bình Minh về tay người Thái

Chiều ngày 9/3, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức chào bán 24.159.906 cổ phiếu Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), tương ứng 29,51% vốn với giá tham chiếu là 96.500 đồng/cổ phiếu.

Tại buổi đấu giá, The Nawaplastic Industries - công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã mua trọn lô, với đúng mức giá tham chiếu nhưng nhường bớt 20.000 cổ phiếu BMP cho một cá nhân đặt mua cùng với giá 96.500 đồng. Và SCIC đã bán thành công lô cổ phiếu BMP với tổng số tiền hơn 2.330 tỷ đồng.

Kyoei Steel liên tục tăng sở hữu tại Thép Việt Ý

Từ tháng 5 - 12, sau tổng cộng 5 lần tăng tỷ lệ, ước tính tổ chức Kyoei Steel Ltd đã chi khoảng 37 tỷ đồng để nâng sở hữu VIS của Công ty Cổ phần Thép Việt Ý lên 54,4 triệu cổ phiếu (73,81% vốn cổ phần).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Việt Ý ghi nhận 3.856 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ ròng hơn 130 tỉ đồng do quý III thời tiết mưa nhiều khiến nhiều công trình xây dựng dừng thi công hoặc hoạt động cầm chừng.

Giấy Sài Gòn lại nằm trọn trong tay của người Nhật

Tháng 6/2018, Tập đoàn đa ngành Nhật Bản Sojitz đã mua lại 95,24% cổ phần của Công ty Giấy Sài Gòn (Saigon Paper), với giá 91,2 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng).

Việc thâu tóm này được coi là bước khởi đầu cho việc tấn công vào thị trường Đông Nam Á của Sojitz.

Sojitz là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam từ năm 1986. Hiện nhà đầu tư này đang đầu tư tại Việt Nam các lĩnh vực: điện, dầu khí, phân bón, hạ tầng khu công nghiệp, phân phối bột mì, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc…

Thương vụ giữa các dòng vốn nội

Chứng khoán SHS nhận sáp nhập SHBS

Tháng 8/2018, CTCP Chứng khoán SHB (SHBS) sáp nhập vào CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) theo phương án sáp nhập đã được ĐHĐCĐ thường niên 2017 của cả 2 công ty thông qua.

SHS đã chi gần 54 tỷ đồng cho thương vụ nhận sáp nhập này, thông qua việc phát hành gần 5,4 triệu cp để hoán đổi lấy toàn bộ 15 triệu cp của SHBS với tỷ lệ hoán đổi là 1:2,78, có nghĩa là cổ đông sở hữu 2,78 cổ phiếu SHBS sẽ được đổi lấy 1 cổ phiếu SHS. Vốn điều lệ của SHS sau khi nhận sáp nhập tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 1.054 tỷ đồng.

HDBank nhận sáp nhập PG Bank

Tháng 9/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, mã HDB - HoSE).

Trước đó, cơ quan này đã nhận được đề nghị sáp nhập từ ngày 8/5 và văn bản của Tổng Giám đốc hai ngân hàng ngày 27/8. NHNN cũng yêu cầu PGBank và HDBank cần có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin và thực hiện các trách nhiệm của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập.

Trong thời hạn 2 tháng từ ngày ký văn bản (7/9), HDBank cần gửi NHNN bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập.

Phương án sáp nhập được được cổ đông của cả hai ngân hàng thông qua vào cuối tháng 4 vừa qua. Tỷ lệ hoán đổi 1 cổ phiếu PG Bank đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank. Cổ đông lớn nhất của PGBank hiện là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương 120 triệu cổ phiếu.

Bồn nước Sơn Hà hoàn tất thâu tóm Toàn Mỹ

Theo công bố của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (SHI), Công ty cồ phần Sản xuất - Kinh doanh Toàn Mỹ kể từ ngày 10/10 đã chính thức trở thành công ty con sau khi nắm giữ 99,78% vốn điều lệ.

Trước đó, Sơn Hà đã phát hành 17,96 triệu cổ phiếu hoán đổi cho các cổ đông theo tỷ lệ cứ một cổ phiếu Toàn Mỹ được chuyển thành 2 cổ phiếu SHI. Kết thúc đợt chuyển đổi, vốn điều lệ của Sơn Hà tăng lên 854 tỷ đồng.

Gỗ Trường Thành sáp nhập với công ty của "bầu" Thắng

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã nhận sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh, tỷ lệ 8,21:1 (8,21 cổ phần cổ phiếu TTF hoán đổi 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh). Với tỷ lệ trên, TTF phát hành thêm 96,59 triệu cổ phiếu để hoán đổi, vốn điều lệ sau phát hành tăng lên gần 3.112 tỷ đồng.Về tỷ lệ hoán đổi, đại diện TTF cho biết, dựa trên nhiều yếu tố và nhiều phương pháp. Chẳng hạn, Sứ Thiên Thanh có lô đất mặt tiền 5 ha ở Dĩ An, Bình Dương, quy đổi ra giá thị trường thì rất cao, nhưng đây là lô đất thuê trả tiền hàng năm. Do vậy, đơn vị định giá đã định giá thấp hơn giá thị trường, nhưng tính ra giá trị vẫn còn rất lớn.Ngoài ra, Sứ Thiên Thanh đã có thương hiệu lâu năm cũng tính vào định giá.  Đối với TTF cũng tương tự, dựa trên thẩm định đánh giá tình hình hiện tại cũng như xem xét các yếu tố về diễn biến giá cổ phiếu. Kết quả, đơn vị thẩm định giá độc lập đã định giá giá cổ phiếu Sứ Thiên Thanh 30.600 đồng/CP, còn định giá cổ phiếu TTF là 3.747 đồng/cp.

An Quý hưng chi bạo 7.400 tỷ mua Vinaconex

Thương vụ M&A mới đây nhất là Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) đã chi bao gần 7.400 tỷ đồng mua lô cổ phần của Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (Mã CK: VCG).

Cụ thể, trong phiên đấu giá ngày 22/11, An Quý Hưng đã mua thành công trọn lô 254,9 triệu cổ phiếu của VCG do SCIC đại diện chủ sở hữu với mức giá 28.900 đồng mỗi cổ phần, cao hơn gần 36% so với giá khởi điểm. Tổng giá trị số cổ phần bán được đạt 7.367 tỷ đồng, cao hơn 1.900 tỷ đồng so với quy mô đợt đấu giá tính theo mức thấp nhất.

Như vậy, đến đầu tháng 12, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn với SCIC, Vinaconex đã chính thức trở thành công ty con của An Quý Hưng với tỷ lệ sở hữu 57,7% vốn điều lệ, tương đương gần 255 triệu cổ phiếu VCG.

 Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến