Dòng sự kiện:
Những 'người hùng' bước ra từ mưa lũ vùng Tây Bắc
01/07/2018 06:33:00
Đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh Tây Bắc, không ít người vì dân, vì nước đã trở thành những người "anh hùng" khi có những đóng góp cho cộng đồng.

Trong những ngày gồng mình chống chọi với mưa lũ, người dân Lai Châu đã đoàn kết, gắn bó sẻ chia để vì cộng đồng. Dù là người dân thường, chiến sĩ công an hay công nhân cầu đường, nhưng họ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, không ít người vì dân, vì nước đã trở thành những người "anh hùng" khi có những đóng góp cho cộng đồng.

"Người hùng" Phạm Văn Sáng, công nhân Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng cầu đường I điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. 

Sau một đêm, người dân bản Sáng Tùng, xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ mất trắng nhà cửa, tài sản khi ngọn núi đầu bản sạt xuống.

Hơn 160 nhân khẩu trong bản bỗng chốc thành cư dân vô gia cư khi tài sản tích cóp bao đời bỗng chốc tan thành mây khói, vùi lấp dưới đống đổ nát.

Thế nhưng, ít ai biết được tại sao người dân nơi đây chỉ mất mát tài sản khi lở núi kinh hoàng xảy ra, mà không có thương vong về người. Đó là nhờ công của phó bản Giàng A Hánh khi anh sớm phát hiện vết nứt núi từ nhiều ngày trước.

Chàng thanh niên phó bản Giàng A Hánh (SN 1992) kể lại, vết nứt núi được anh phát hiện trước ba ngày khi xảy ra lở núi. Hôm đó, anh cùng nhóm thanh niên trong bản đi rừng, trên đường về trời mưa to như trút nước.

Nhiều đợt mưa trước, nước chảy qua bản rồi đổ dồn xuống suối dưới chân núi, nhưng hôm đó mưa rất to mà nước ở bản lại ít đi.

Thấy vậy, anh lần theo vết nước chảy thì thấy một vết nứt rộng bằng một bước chân và sụt thấp hơn mấy gang tay. Về bản anh nói với bà con và báo với chính quyền xã.

Khi cán bộ xã vào kiểm tra, xong rồi ngay ngày hôm sau vận động bà con di chuyển trâu bò đi trước, rồi tối đó yêu cầu bà con không ngủ tại bản nữa.

Giàng A Hánh (thứ nhất bên trái), người phát hiện vết nứt núi, góp phần cứu sống hơn 160 người bản Sáng Tùng.

“Buổi sáng hôm kia nó sạt rộng bằng ba gang tay và trưa em đi giúp bà con cấy xong rồi em tiếp tục đi kiểm tra xung quanh cả bản. Về em báo với xã rồi xã nói không được thì mình cứ chuyển đến chỗ người thân ngoài bản mà ở. Trưa thì một số người chuyển đồ sang bên này, một số người chuyển sang bên kia. Tôi bảo với bà con cứ chuyển ít đồ sang bên kia ngủ một đêm đã rồi sáng mai mình về chuyển tiếp. Thế rồi sáng ngủ dậy thì đất đã sạt xuống rồi, giờ không biết ăn chỗ nào, ngủ chỗ nào nữa”, Phó bản Giàng A Hánh nói.

Trong sập sùi mưa gió của những ngày mưa lũ vừa qua, hệ thống giao thông ở Lai Châu bị thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, là hệ thống đường quốc lộ 4D, 32, 12 nối Lai Châu với các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai.

Chỉ sau hai ngày khi Lai Châu bị cô lập, các tuyến đường quốc lộ tại địa phương đã cơ bản được thông tạm, góp phần giúp Lai Châu đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm và đưa các lực lượng đến các vùng tâm lũ để ứng cứu, khắc phục.

Để có được những cung đường kết nối giữa các vùng, có công lao to lớn của lực lượng công nhân lái máy của các đơn vị cầu đường, những người đã không ngại hiểm nguy điều khiển những chiếc máy múc xông vào các điểm sạt lở. Phạm Văn Sáng, công nhân lái máy của Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng cầu đường I là một trong những người như vậy.

Trong khi đang làm nhiệm vụ thông tuyến vào chiều tối ngày 26/6 trên quốc lộ 12, anh cùng một công nhân lái máy khác bất ngờ bị cả một góc núi cao hàng chục mét đổ ập xuống, hất văng cả người và máy xuống vực sâu.

Trên giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, anh Phạm Văn Sáng kể lại: Hôm đó, anh cùng một công nhân lái máy nữa nhận nhiệm vụ khắc phục sạt lở thông tuyến từ sáng sớm, đến khoảng 18 giờ chiều khi gần thi công gần xong điểm sạt lở ở km 46+500 thì gặp nạn.

Khi đó tôi thấy đất lở phía trên, liền lái máy xúc quay đầu định chạy, nhưng nhanh quá, đất đá cuốn phăng cả máy với người xuống vực.

“Sạt xuống, tôi bắt đầu quay máy chạy thì một khối lượng đất đá nó đẩy máy văng hết xuống luôn. Khi văng xuống tôi thấy người đau, thấy nước lũ, đất đá nó dồn xuống dâng nước lên, tôi có nhoai người ra khỏi máy xúc để cố đu lên cái dây rừng sang mỏm đá. Tỉnh dậy thì lúc đấy chỉ nhìn thấy người ở trên soi đèn nhưng mà không hô được. Hơn một tiếng sau có hai đồng chí cứu hộ xuống, thì lúc đấy mới biết là mình được cứu”, anh Phạm Văn Sáng nói.

Nhìn con trai cột ngang người bằng thiết bị y tế, khó nhọc thở trên giường bệnh, với ống dẫn dịch đỏ chảy ra dưới chân, ông Phạm Văn Dám, bố nạn nhân Phạm Văn Sáng quặn lòng kể.

Học xong cấp ba, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên Sáng xin bố mẹ đi học máy múc để đi làm, giúp đỡ gia đình. Học xong nghề lái máy, Sáng lên thẳng Lai Châu xin vào làm công nhân lái máy cầu đường.

Mải công việc và kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nên đến nay đã 36 tuổi mà chưa chịu lấy vợ. Năm trước cũng lúc đang làm nhiệm vụ, Sáng cũng bị bỏng hơi nước máy múc và sẹo mảng lớn ở bụng và mặt.

Giờ gặp nạn, bị tràn dịch màng phổi, gãy ba xương sườn và chấn thương cột sống nên gia đình chỉ mong con được chữa trị tốt nhất để nhanh quay lại nhận nhiệm vụ.

“Tất cả vì công việc của xã hội, cử đâu thì làm đấy. Tuy công việc của cháu có nguy hiểm, nhưng thông được tuyến cho mọi người dân đi lại thuận tiện, cho nên gia đình đồng ý cho cháu đi về cái nghề này. Nguyện vọng của gia đình là chữa trị cho cháu các phần đơn giản nhất rồi cho cháu về dưới bệnh viện Việt Đức để tiếp tục chữa trị”, ông Phạm Văn Dám cho hay.

Nếu không có sự phát hiện vết nứt núi kịp thời, thì hơn 160 con người ở Sáng Tùng giờ sẽ ra sao! Và không có những người như anh Sáng, Lai Châu sẽ phải mất thêm thời gian để khắc phục thông đường các tuyến quốc lộ.

Trong thời khắc khốc liệt của những ngày mưa lũ vừa qua, có rất nhiều những con người rất đỗi bình thường, nhưng không ngại khó, quản khổ dấn thân vào vùng rốn lũ vì cộng đồng. Và họ đã trở thành những người "anh hùng" trong lòng đồng nghiệp, trong bản làng mình.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến