Dòng sự kiện:
Nợ xấu có đến từ doanh nghiệp nhỏ và vừa?
23/05/2017 16:44:06
Việc tăng cường vốn cho DN nhỏ và vừa là chủ trương nhận được sự đồng thuận và quan tâm từ DN. Tuy nhiên, vấn đề này lại đặt ra nỗi lo về nguy cơ nợ xấu, bởi khả năng, kiến thức kinh doanh của DN nhỏ và vừa luôn có nhiều hạn chế.

Nỗi lo

"Cơn bão” giảm giá của ngành chăn nuôi lợn, không những gây khó khăn cho các DN và hộ kinh doanh, mà còn ảnh hưởng tới các ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ toàn ngành chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ chủ yếu lại thuộc về cá nhân và hộ gia đình với hơn 25.800 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại thuộc về DN, hợp tác xã và các mô hình liên kết. Trong thời gian giá lợn giảm sâu, nợ xấu của ngành chăn nuôi lợn đã tăng lên 352 tỷ đồng. Dù mới chiếm 1,2% dư nợ toàn ngành nhưng nếu không có giải pháp tháo gỡ, cùng sự vào cuộc của ngành ngân hàng như cơ cấu lại nợ, hoãn, giãn nợ… thì con số này sẽ còn gia tăng.

DN phải biết chủ động vươn lên đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của ngân hàng

 

Vấn đề trên cho thấy, với những rủi ro về năng lực sản xuất kinh doanh, điều kiện thị trường, các DN nhỏ và vừa thường khó được các ngân hàng “ưu ái” về vốn vay. Vì thế, giám đốc một DN chuyên kinh doanh XNK nông sản cho hay, nếu DN không có tài sản đảm bảo thì dù DN có mang đầy đủ hồ sơ, hóa đơn mua hàng lên tới hàng tỷ đồng thì ngân hàng cũng không tin để cho vay. “Ở Việt Nam, nhiều DN kinh doanh lừa đảo, chụp giật khiến ngân hàng e ngại. Thậm chí, có người thành lập DN, đi vay vốn ngân hàng nhưng lại dùng số tiền đó để găm giữ bất động sản, sau đó khoản vay này không thể hoàn trả, trở thành nợ xấu gây thiệt hại lớn cho ngân hàng”, vị này cho hay.

Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Lãnh đạo NHNN cho rằng, mức lãi suất của Việt Nam hiện nay là tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô; nhưng theo các DN, lãi suất cho vay không những cần được giảm thêm mà các ngân hàng nên xây dựng cơ chế cho vay tín chấp để DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Lã Hồng Quang, Giám đốc Công ty TNHH chè Á châu (Asiatea), nhờ hoạt động lâu năm và uy tín trong kinh doanh, sản xuất, Asiatea đã được các ngân hàng thương mại cho phép vay vốn lưu động dưới dạng khế ước vay theo gói trong hợp đồng tín dụng. Để được vay vốn như này, Asiatea đã phải trình kế hoạch sản xuất, mở rộng đầu tư kinh doanh với ngân hàng, nhưng vẫn phải dùng cơ sở hạ tầng, nhà máy, hợp đồng bán hàng để thế chấp, cùng với sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ nhân viên ngân hàng.

Hoặc chịu lãi cao hoặc phải đáp ứng tiêu chuẩn

Những vấn đề trên đặt ra câu hỏi, tại sao ngân hàng lại “e dè” với DN nhỏ và vừa đến thế? Trong khi, nguồn vốn đổ vào các lĩnh vực bất động sản, các DN lớn lại có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Một thực tế là tỉ lệ nợ xấu của khu vực DN nhỏ và vừa rất thấp, trong khi các DN nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số lượng DN hiện nay. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tỉ lệ nợ xấu của đối tượng cho vay là DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh nông nghiệp, nông dân lúc nhiều nhất vẫn dưới 2% và sau đó xuống dưới 1,5%; còn phần nợ xấu trên 6-7% nằm ở khu vực khác.

Chính vì thế, tại buổi họp báo sau Hội nghị Thủ tướng với DN mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng đừng hiểu lầm việc mở rộng cho vay đối với DN nhỏ và vừa là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Nhưng việc ngân hàng “siết” cho vay đối với DN nhỏ và vừa là việc quản lý đương nhiên theo chuẩn mực của ngân hàng. Vì thế, các DN nhỏ và vừa nếu không muốn phải tiếp cận nguồn vốn vay bên ngoài với lãi suất cao thì phải chủ động vươn lên đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của ngân hàng, cụ thể là phải nâng cao năng lực quản trị, quản lý sổ sách, tài chính…

Nói về cơ chế các ngân hàng kiểm soát nợ xấu, theo đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), VPBank đã xây dựng quy định và quy trình để đảm bảo thẩm định phương án vay vốn, trả nợ, năng lực tài chính của khách hàng. Bên cạnh đó, VPBank cũng xây dựng chính sách tín dụng rõ ràng, minh bạch theo hướng xác định cụ thể định hướng tín dụng, đối tượng khách hàng mà VPBank hướng tới. Đặc biệt, sau khi chấp thuận khoản vay, VPBank cũng có cơ chế theo dõi, phát hiện và xử lý sớm các khoản nợ có vấn đề…

Có thể thấy, mối lo nợ xấu luôn thường trực khiến các ngân hàng thương mại đều đưa ra quy trình chặt chẽ trong việc kiểm soát hoạt động cho vay và sau khi cho vay. Như vậy, dù không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nợ xấu, nhưng các DN nhỏ và vừa muốn vay vốn sẽ phải vượt qua hàng loạt “hàng rào” không hề dễ dàng. Hơn nữa, theo các chuyên gia, nợ xấu còn tới từ nguyên nhân khách quan của nền kinh tế, nên việc cho vay dù với đối tượng có tiềm lực mạnh tới đâu, nguy cơ nợ xấu vẫn có thể xảy ra. Chính vì thế, điều cần thiết là các ngân hàng phải có sự thay đổi, hướng tín dụng đến đối tượng DN nhỏ và vừa nhiều hơn và các DN phải biết “nâng” mình lên để đáp ứng các điều kiện trong vay vốn.

Theo báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến