Dòng sự kiện:
Nợ xấu tại ngân hàng giờ ra sao?
10/02/2019 15:08:21
Nợ xấu từng nhiều năm đè nặng lợi nhuận ngân hàng, nhưng 2018 đang cho thấy ngược lại... Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2018, con số nợ xấu tại nhiều nơi sụt giảm đột ngột, có ngân hàng giảm tới hơn một nửa.

Nợ xấu đã… bớt xấu

Theo công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 12/2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) là 1,89%, giảm so với mức 1,99% cuối năm 2017 và mức 2,46% cuối năm 2016. 1,89% cũng là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2012 đến nay - thời điểm nợ xấu ngân hàng bắt đầu được nhận diện một cách đầy đủ và sát thực hơn. 

Tỷ lệ nợ xấu này thấp hơn nhiều so với con số ước tính 2,4% của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 được phát hành giữa tháng 12/2018.

Thống kê nợ xấu nội bảng của NHNN cũng trái ngược với nỗi lo nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trở lại sau khi báo cáo tài chính quí 3/2018 của các ngân hàng được công bố. Đến cuối tháng 9/2018, tỷ lệ nợ xấu của 17 ngân hàng niêm yết tăng lên mức 1,77% từ mức 1,67% cuối năm 2017. 13/17 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu tăng. Về số liệu tuyệt đối, tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng này cuối tháng 9/2018 là 77.230 tỉ đồng, tăng 18,5% so với cuối năm 2017.

Vậy là đã có biến chuyển rất lớn trong công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng ở quí cuối cùng của năm 2018, thậm chí là trong những ngày cuối cùng của năm. Tuy nhiên, có thể một phần biến chuyển này đến từ việc các ngân hàng tiếp tục bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Còn theo loạt BCTC quý 4 vừa được các nhà băng công bố, nợ xấu đa số đã giảm đáng kể so với đầu năm. Chuyển biến này cũng gây không ít bất ngờ bởi trước đó nợ xấu có xu hướng tăng khá mạnh trong 9 tháng đầu năm ở phần lớn các ngân hàng thương mại. Chỉ trong 3 tháng, con số tại nhiều nơi sụt giảm đột ngột, có ngân hàng giảm tới hơn một nửa.

Năm qua Agribank đã thu hồi nợ sau xử lý lên tới 11.936 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro đạt 25.590 tỷ đồng. Thậm chí, theo phát biểu của lãnh đạo ngân hàng này, tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, họ đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.

Theo thống kê, đến cuối năm 2018, 15 ngân hàng (VPBank, Vietcombank, Sacombank, MBBank, Techcombank, VIB, LienVietPostBank, ACB, ABBank, TPBank, PGBank, BacABank, VietBank, Saigonbank, Kienlongbank) có hơn 34.810 tỷ đồng nợ xấu, giảm mạnh 17,7% so với cuối quý 3/2018.

Mặc dù nợ xấu có xu hướng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nhưng nhờ chuyển biến tích cực bất ngờ trong quý IV, khối nợ xấu tại những ngân hàng này về mức thấp hơn cuối năm 2017 (giảm 4%).

Trong đó, xét về tốc độ giảm, Saigonbank là ngân hàng gây bất ngờ nhất khi nợ xấu đột ngột giảm tới 66% trong quý 4. Cuối năm 2018, nợ xấu tại Saigonbank là 301 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,98% xuống còn 2,2%. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này có lúc tăng lên trên 6%. Việc sụt giảm nợ xấu, như lãnh đạo ngân hàng nhiều lần chia sẻ với chúng tôi, là do ngân hàng tập trung xử lý nợ theo đề án đã được phê duyệt.

Một ngân hàng nhỏ khác cũng có chuyển biến tích cực là PGBank khi đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% cuối năm 2018 mặc dù trước đó tỷ lệ này đã tăng lên tới 4,5% vào cuối tháng 9/2018.

Loạt ngân hàng lớn như VPBank, Vietcombank, Techcombank, MBBank, ACB, Sacombank cũng đã giảm được lượng lớn nợ xấu trong những tháng cuối năm. Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay sau khi leo lên tới 4,7% cuối tháng 9 đã giảm về 3,5% cuối năm. Tại ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu cũng đã giảm về dưới 3%.

Nợ xấu nội bảng cuối năm ở Vietcombank là 6.215 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 7 tỷ so với hồi đầu năm nhờ giảm tới 1.209 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này hiện ở khoảng 0,98%, thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống.

Sacombank là ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu nhất trong năm vừa qua. Sau 1 năm, nợ xấu tại ngân hàng này đã giảm 48% xuống còn hơn 5.400 tỷ. Theo đó, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 4,7% đầu năm xuống còn 2,11%.

Nợ xấu luôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sức khỏe của các ngân hàng. Bên cạnh việc lãi khủng, sự chuyển biến tích cực của nợ xấu trong thời gian qua càng khẳng định bức tranh nhiều điểm sáng của ngành ngân hàng. Nhiều nhà băng đã xóa sạch nợ tại VAMC trong 2 năm qua như Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Vietinbank.

Bên cạnh việc các ngân hàng đã chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; hoạt động của VAMC cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Được biết, năm 2018, VAMC đã triển khai hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường đạt 2.819 tỷ đồng giá mua nợ; mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 29.812 tỷ đồng giá mua nợ. Kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và 2018 đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần 1/2 tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến nay.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cũng lưu ý các ngân hàng bên cạnh việc xử lý nợ cũ thì cũng phải kiểm soát chất lượng tín dụng, không để nợ có vấn đề phát sinh thêm. Công tác xử lý nợ xấu mặt dù đã được gỡ rối tương đối nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, phía NHNN trong 1 năm qua cũng liên nhắc nhở các TCTD phải luôn "để mắt" tới nợ xấu.

Năm 2019 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%

Năm 2019, về vấn đề nợ xấu, NHNN định hướng cần thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khác) dưới 5%. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Thực tế, tình hình tài chính của hầu hết ngân hàng Việt đã cải thiện rất tích cực trong những năm gần đây. Sau những bài học về giai đoạn tăng trưởng nóng và rơi vào khó khăn cách đây khoảng 10 năm, hầu hết ngân hàng đều đang xây dựng nền tảng thu nhập bền vững hơn với đóng góp từ mảng tín dụng ngày càng giảm. Chất lượng tín dụng cũng đi vào thực chất với các quy định khắt khe hơn trong phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và đặc biệt là hiệu quả công tác thanh, kiểm tra được chú trọng. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tăng lên trong vài năm qua nhưng hầu hết đều liên quan đến việc mô hình kinh doanh chuyển dịch sang bán lẻ, cho vay tiêu dùng, tức là các ngân hàng này đã lường trước và chấp nhận tỷ lệ nợ xấu cao hơn.

Nhưng trớ trêu là trong khi các ngân hàng tốt ngày càng tốt hơn thì các ngân hàng yếu kém vẫn tiếp tục là những điểm nóng của ngành. Quá trình tái cơ cấu mà trọng điểm là xử lý nợ xấu tại các ngân hàng này vẫn chưa thể tạo ra bước đột phá. Nợ xấu (thực chất) vẫn đang tập trung tại các ngân hàng yếu kém và một số ngân hàng trong diện tái cơ cấu bắt buộc.

Có một thực tế trong kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua là đóng góp của biện pháp sử dụng dự phòng rủi ro rất lớn. Biện pháp này là hình thức ngân hàng đưa các khoản nợ xấu ra theo dõi ngoại bảng vì các khoản nợ này đã được trích lập rủi ro toàn bộ. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm nợ đã bán cho VAMC) trong năm 2018 chủ yếu là các ngân hàng sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng (chiếm 59,8%), trong khi biện pháp thu nợ từ khách hàng chỉ chiếm 33,2%, biện pháp bán phát mãi tài sản bảo đảm chỉ chiếm 3%.

Điều này có nghĩa tốc độ xử lý nợ xấu đang phụ thuộc nhất định vào tốc độ trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng chứ không hẳn chỉ là việc thu nợ hay phát mãi tài sản bảo đảm. Nhất là đối với trái phiếu VAMC, ngân hàng muốn xử lý nhanh thì phải có lợi nhuận tốt từ những hoạt động kinh doanh thông thường, nói một cách văn hoa là lấy cái tốt để bù cái xấu, còn nói thẳng ra là ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để trích lập dự phòng trước thời hạn.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến