Dòng sự kiện:
Nỗi buồn sau chiến tranh của người từng vào sinh ra tử nơi chiến trận
27/07/2017 20:00:29
Là trắc thủ cự li trong ê kíp điều khiển tên lửa SAM2 bắn rơi máy bay B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội, bị thương vẫn không rời vị trí chiến đấu nhưng sau chiến tranh, cuộc đời ông là chuỗi dài của những nỗi buồn.

Kí ức thời hoa lửa

Nhân dịp kỉ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, chúng tôi tìm về nhà ông Ngô Đức Tứ (SN 1948), trú tại thôn Phúc Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông bị thương tại trận địa tên lửa Yên Bình, tỉnh Yên Bái ngày 10/6/1972. 

Theo lời kể của ông Tứ, thời phổ thông, ông là một học sinh xuất sắc. Năm 1968, khi học xong cấp III, ông được cử sang Liên Xô (cũ) để học tập nhưng do sự kiện Tết Mậu Thân (1968) nên kế hoạch bị hoãn lại. Sau đó, ông được chọn vào Khoa Địa lý – Địa chất khóa 13 của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1970, theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng sinh viên Ngô Đức Tứ tòng quân, được chiến đấu trong đội ngũ của Tiểu đoàn tên lửa 59 - Trung đoàn 261 - Sư 361 - Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Tuy được đào tạo tại chỗ nhưng ông đạt được các yêu cầu để trở thành một trắc thủ cự li điều khiển tên lửa SAM2.

Kể về việc bị thương, ông Tứ cho biết: “Mặc dầu, đơn vị đã thực hiện đánh thử nghiệm B52 bằng tên lửa SAM2 trên chiến trường Quảng Trị nhưng đến tháng 6/1972, về cơ bản chúng ta vẫn chưa có phương án tối ưu nào để bắn hạ máy bay Mỹ, ngược lại, đế quốc Mỹ lại nhiều lần đánh trúng trận địa của ta bằng tên lửa SƠRAI. Ngày 10/6/1972, tại huyện Yên Bình (Yên Bái), trận địa của Tiểu đoàn 59 bị tên lửa Mỹ bắn trúng . Đơn vị có 2 đồng chí hi sinh và 16 cán bộ chiến sĩ bị thương trong đó có tôi".

Ông Tứ tiếp tục nhớ lại: Dẫu bị thương nhưng hơn 6 tháng sau, vào lúc 20h16, ngày 18/12/1972, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận cùng các trắc thủ Nguyễn Xuân Linh (người bị thương nặng được ông Tứ cõng ra hậu cứ), Ngô Đức Tứ, Nguyễn Công Đoàn đã xuất sắc xác định được dải nhiễu B52 số hiệu 671 bay từ Tam Đảo và đánh Đông Anh (Hà Nội) đã phóng tên lửa diệt gọn, xác máy bay rơi ở cánh đồng Chuôm, Phù Lỗ, Đông Anh. Đây là máy bay B52 đầu tiên bị hạ bởi tên lửa SAM2 trên bầu trời Hà Nội. Sau chiến công này, phương pháp đánh B52 bằng tên lửa SAM2 được hoàn thiện và liên tục bắn rơi nhiều “pháo đài bay” góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, buộc đế quốc Mỹ phải kí Hiệp định Pari.

Ê kíp chỉ huy bắn rơi B52 đầu tiên bằng tên lửa SAM2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, ông Tứ đứng ngoài cùng phía bên phải. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nỗi buồn sau chiến tranh

Quay trở lại việc bị thương nơi chiến trận, ông Tứ cho biết, trong số 16 người bị thương hôm đó, hiện nay chỉ còn mỗi tôi là không được công nhận thương binh. Theo lời ông, không phải ông mong được nhận chế độ đãi ngộ của Nhà nước, mà đơn giản chỉ muốn được ghi nhận cống hiến của mình, ghi nhận sự xông pha, vào sinh ra tử để quyết bảo vệ Tổ quốc.

Khi được hỏi có giấy tờ gì chứng minh bị thương không, ông Tứ vừa nói vừa đưa túi tài liệu được gói cẩn thận: “Đây là văn bản xác nhận của Trung đoàn tên lửa 261 có tên của các đồng chí, đây là phần các đồng chí ấy giấy xác nhận tôi bị thương. Có cả số điện thoại và địa chỉ liên lạc của họ đây nữa".

Ông Tứ có đưa cho chúng tôi xem tờ Công văn số 991/XN-TĐ ngày 14/11/2012 của Trung đoàn tên lửa 261 thuộc Sư đoàn phòng không 367 gửi Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện Can Lộc và Phòng chính sách BCH Quân sự Hà Tĩnh. Trong công văn có viết:  “Do yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Tứ không đi viện điều trị mà xung phong ở lại để cùng đồng đội khắc phục hậu quả và khôi phục sức chiến đấu của đơn vị”.


Công văn số 991 (năm 2012) của Trung đoàn tên lửa 261 xác nhận ông Ngô Đức Tứ bị thương

Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Xuân Linh, trú tỉnh Hưng Yên - đồng đội của ông Tứ cho biết: “Lúc bị tên lửa SƠRAI bắn trúng, chúng tôi bị hất văng ra khỏi ca bin điều khiển, tôi bị thương nặng, đồng chí Tứ bị gãy ngón chân, bắp chân phải bị thương. Tuy chảy rất nhiều máu chảy nhưng đồng chí ấy vẫn chồm dậy cõng tôi lết về hậu cứ rồi quay lại ngay trận địa. Từ năm 2004 đến nay, chúng tôi đã 2 lần xác nhận hồ sơ cho đồng chí Tứ nhưng không hiểu sao đến giờ đồng chí ấy vẫn chưa được công nhận là thương binh”.

Không chỉ ông Linh, nhiều cựu binh khác từng là đồng đội của ông Tứ, dù ở Nam hay Bắc cũng đều tìm cách xác nhận để mong ông Tứ sớm được công nhận là thương binh.

 

Hai lần, ông Lê Xuân Linh đã làm giấy xác nhận đồng đội bị thương cho ông Tứ

Ông Tứ cho biết thêm: “Sau khi khắc phục xong trận địa, chiều ngày 10/6/1972, tôi đã về bệnh xá F361 để băng bó và xử lí vết thương nhưng còn đôi tay và cái đầu nguyên vẹn nên tôi đã kiến quyết không đi viện mà trở lại đơn vị để chiến đấu tiếp vì việc quan trắc ngồi một chỗ ở xe điều khiển, không cần đi lại nhiều. Khi xuất trạm, tôi có giấy chứng thương nhưng năm 1993, nộp cho Phòng chính sách BCH quân sự Tỉnh Hà Tĩnh, khi chuyển sang Sở LĐTB&XH thì bị thất lạc nên đến nay vẫn chưa tìm thấy”.

“Từ năm 1993 đến nay, cứ mỗi lần có chính sách mới, được xã hướng dẫn, tôi lại phải lặn lội ra Bắc, vào Nam tìm đồng đội nhờ xác nhận và làm mọi thủ tục theo hướng dẫn nhưng đến nay hồ sơ bị trả về mà không rõ lí do", ông Tứ nói về chặng đường làm hồ sơ đầy khó khăn nhưng không có kết quả.

Một trong những vết thương trên chân phải của ông Tứ

Liên quan đến vấn đề này, Ban chính sách BCH quân sự Huyện Can Lộc cho biết: “Tất cả các hồ sơ được trả về đều ghi rõ lí do, riêng trường hợp của ông Tứ, có thể trong quá trình chuyển hồ sơ bị thất lạc. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại”.

Rời chiến trận, trở về quê hương từ năm 1980, dù sức khoẻ yếu do ảnh hưởng của bom đạn nhưng người cựu binh năm xưa vẫn cần mẫn làm ăn, nuôi dạy con cái nên người. Với ông, dù bị thương, dù chưa được công nhận nhưng ông vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều đồng đội đã phải ngã xuống. Dẫu sao, ông vẫn tự hào vì bản thân từng xông pha nơi trận mạc, không nề hà chuyện sống chết để dành độc lập cho đất nước...

Quốc Hiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến