Dòng sự kiện:
Nữ lao động ở Ả Rập kêu cứu vì bị ngược đãi, đánh đập đến nhập viện?
12/10/2017 12:57:20
Một người lao động đang làm việc tại Ả Rập phản ánh với báo chí về một cuộc sống khổ sở, vất vả không như mong đợi.

Tháng 6/2017, chị Hoa Thị Huyền (SN 1991) quê ở xã Niệm Tòng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được Công ty XNK tổng hợp và Chuyển giao Công nghệ Việt Nam đưa đi làm việc tại Ả Rập Xê Út. Tính tới nay, chị Huyền đã xuất cảnh được 4 tháng.

Sinh ra và lớn lên tại vùng cao Mèo Vạc, chứng kiến những khó khăn từ bé, ước mơ thoát nghèo luôn hiện hữu trong đầu của chị Huyền. Lời tư vấn về một nguồn thu nhập cao, không phải mất chi phí đã thôi thúc chị Huyền đồng ý sang Ả Rập xuất khẩu với công việc là giúp việc gia đình. Nhưng khi bước chân sang tới đây, chị Huyền mới ngỡ, sự thật không như đã mơ.

Chị chia sẻ, từ khi sang Ả Rập làm việc, chị phải làm việc đến 1, 2h đêm mới được ngủ và thường xuyên bị chủ sử dụng (CSD) chửi mắng. Quá khổ cực, chị yêu cầu đổi CSD nhưng không được chấp thuận và phải tiếp tục làm việc tại đây.

“Trong một lần do đói quá, tôi đã ăn 1 que kem và bị CSD cho rằng ăn vụng trộm hoa quả nên tôi bị bắt phạt làm việc nhiều hơn. Ngày 29/9, do mệt quá nên tôi vừa làm việc vừa nghỉ. CSD đã chửi mắng tôi và cầm bát đập vào mặt, dùng chân tay đấm vào vai khiến tôi bị tê không làm việc được” – chị Huyền nhớ lại.

Nữ lao động này cho biết thêm, sau trận đòn trên, chị phải nghỉ ngơi 3 ngày mới khỏi, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục làm việc với cường độ cao như ban đầu. Giờ đây, chị chỉ có ước muốn được trở về Việt Nam.

Hình ảnh nằm viện do chị Huyền cung cấp

Trước những phản ánh của người lao động, PV đã liên hệ với Công ty XNK tổng hợp và Chuyển giao Công nghệ Việt  Nam có trụ sở tại số 10, Khu liền kề 86, đường Mậu Lương, quận Hà Đông.

Trả lời PV, ông Nguyễn Duẩn – PGĐ Cty XNK tổng hợp và Chuyển giao Công nghệ Việt Nam xác nhận chị Hoa Thị Huyền là người lao động do công ty mình đưa đi. Sau khi tiếp nhận được thông tin từ báo chí, công ty đã cho người bên Ả Rập xác minh sự việc nữ lao động cung cấp.

Ngoài ra, chị Huyền phản ánh với công ty việc 4 tháng qua, tiền lương chưa được trả. Hiện tại vấn đề này đã được giải quyết ngay khi có phản ánh.

“Số tiền lương đã được gửi 2 tháng vào cho anh trai ở Việt Nam và số còn lại chuyển vào tài khoản cho người lao động. Chúng tôi đã cho người kết nối và xử lý ngay yêu cầu của chị Huyền.” – ông Duẩn nói.

Vị giám đốc này cũng cho biết thêm, có những gia đình vì hoàn cảnh đông con hoặc là nhiều phòng ốc thì người giúp việc làm thêm “vài giờ đồng hồ” thì đó là chuyện bình thường, điều này đã được tư vấn trước khi người lao động xuất cảnh. Theo quy định làm việc 8 tiếng, nhưng trên thực tế công việc giúp việc không hẳn như quy định và phải khống chế tùy theo mình khi xử lý công việc.

Phản ánh chị Huyền bị bỏ đói và chỉ được ăn 1 bữa thì Công ty đã liên lạc với CSD. CSD của chị Huyền trả lời do tập quán 2 bên chưa đồng nhất với nhau, bên Ả Rập họ chỉ ăn 1 bữa, còn lại là ăn bánh mỳ. Một lý do nữa là ngôn ngữ giữa 2 bên chưa đồng nhất khiến cũng gây khó khăn cho chị Huyền".

Nói về phản ánh bị CSD đánh đập đến mức nhập viện, đại diện Công ty XNK tổng hợp và Chuyển giao Công nghệ Việt  Nam khẳng định nhân viên đã liên hệ với CSD. CSD cho biết, do người lao động có nói mình bị “ma nhập”, cảm thấy mệt mỏi nên CSD đã đưa chị Huyền đi viện khám tổng thể thì không phát hiện có vấn đề gì.

Kết thúc trao đổi, đại diện của Công ty XNK tổng hợp và Chuyển giao Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp nhận những thông tin phản ánh của báo chí cũng như người lao động, trong trường hợp cần thiết sẽ đưa người lao động về nước đúng như nguyện vọng.”

Trên thực tế, tình trạng người lao động đi xuất khẩu sang Ả Rập gặp rắc rối như chị Huyền không phải là mới. Có thể thấy rõ tầm quan trọng của các doanh nghiệp XKLĐ đối với người lao động đang làm việc nơi xứ người. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp làm việc kiểu “đem con bỏ chợ” đã khiến người lao động phải lao đao, khổ sở.

Trước đó, rất nhiều doanh nghiệp XKLĐ bị xử phạt vì vi phạm pháp luật và không thực hiện đúng chủ trương của Bộ LĐTB-XH. Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động đưa lao động gia đình sang Ả rập Xê út, trong đó quy định chặt chẽ hơn điều kiện hợp đồng giám sát và kiểm tra công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi làm việc; đồng thời cử cán bộ của doanh nghiệp sang Ả rập Xê út để theo dõi, quản lý và hỗ trợ người lao động trong quá trình làm việc.

Hiện, Việt Nam có 50 doanh nghiệp có chức năng đưa lao động sang làm việc tại Ả rập Xê út, trong đó có 25 doanh nghiệp đưa lao động sang giúp việc gia đình tại thị trường này. Người lao động sang Ả rập Xê út chủ yếu làm việc thuộc các ngành nghề như: Xây dựng, nhà máy, vận tải (14.000 người), giúp việc gia đình (6.900 người).

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến