Dòng sự kiện:
Ôm khối nợ và thua lỗ triền miên, 'hải trình' Vitranschart không hề dễ dàng
09/11/2018 16:16:56
Tất cả các mảng kinh doanh của Vitranschart đều lỗ dẫn đến tổng lỗ 9 tháng đầu năm lên 182 tỷ đồng. Số lỗ này tuy có cải thiện nhưng cũng thể hiện kết quả kinh doanh yếu kém của công ty này.

Ngày 05/12 tới, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đăng ký bán đấu giá hơn 13,44 triệu cp CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart- UPCoM: VST) với giá khởi điểm 1.200 đồng/cp. Số cổ phần mang ra đấu giá chiếm 22,03% vốn điều lệ của Vitranschart. Trong khi đó Vinalines hiện là cổ đông mẹ nắm giữ tổng cộng 35,4 triệu cổ phần tương ứng 58% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Vitranschart (số liệu đến 30/9/2018 theo BCTC công ty).

VST bắt đầu chìm vào thua lỗ từ năm 2012 đến nay với con số lỗ mỗi năm không hề nhỏ. Đồng thời, tại các báo cáo kiểm toán và soát xét gần đây, đơn vị kiểm toán luôn đưa ra ý kiến nhấn mạnh đối với tình hình của VST như lỗ vượt vốn, tổng nợ phải trả gấp nhiều lần tổng tài sản… Đó là những yếu tố cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

VST có vốn điều lệ gần 610 tỷ đồng, tuy nhiên do lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 9 tới 1.486 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu của VST đã âm tới 861 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/09/2018, VST có tổng tài sản hơn 1.367 tỷ đồng, trong đó tổng nợ phải trả hơn 2.228 tỷ đồng, tức gấp 1.6 lần tổng tài sản. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt 121 tỷ đồng và 1.259 tỷ đồng chủ yếu tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam...

Kinh doanh kém khả quan là vậy, thế nhưng theo BCTC, công ty này đang là con nợ của nhiều ngân hàng lớn như Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam...

Trước đó hồi tháng 5/2018 Vietcombank chi nhánh Tp Hồ Chí Minh đã thông báo chọn tổ chức bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Vitranschart với giá khởi điểm đưa ta là 32% dư nợ gốc. Hồi tháng 7/2018, VST đã phải rao bán 2 lô ô tô con, đầu kéo, rơ mooc tải với tổng số 13 xe. Giá khởi điểm cho 2 lô là hơn 2 tỷ đồng.

Bản thân công ty mẹ Vinalines cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 với doanh thu giảm gần 1.000 tỷ đồng, còn 9.044 tỷ đồng và đáng chú ý, không được ghi nhận khoản giảm nợ 1.227 tỷ đồng như cùng kỳ năm ngoái vào khoản mục thu nhập khác, nên Vinalines báo lỗ 174 tỷ đồng, trong khi đó 9 tháng đầu năm ngoái vẫn lãi sau thuế gần 305 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính Vinalines thể hiện, riêng các công ty con, công ty liên kết đã ghi nhận về số lỗ hơn 119 tỷ đồng cho công ty mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Vinalines lỗ lớn trong kỳ này.

Tính đến hết quý 3/2018 Vinalines ghi nhận lỗ lũy kế chưa phân phối lên đến 3.434 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 8.195 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu trên 11.655 tỷ đồng. "Của để dành" của Vinalines còn có 629 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, còn 18 tỷ đồng trong các quỹ khác thuộc chủ sở hữu và hơn 92 tỷ đồng vốn khác thuộc chủ sở hữu.

Trong khi đó trên thị trường, cổ phiếu VST hầu như không có giao dịch nên mức giá vẫn đứng tại mốc 700 đồng/cp. Trên thực tế VST đã duy trì mức giá dưới giá 1.200 đồng/cổ phiếu (giá khởi điểm phiên đấu giá) từ hơn 1 năm nay, có lúc xuống 600 đồng/cổ phiếu. Hiện Vinalines đang nắm giữ 35,4 triệu cp, tương ứng 60% vốn VST.

Khoảng giữa năm 2016, cổ phiếu VST đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. BCTC năm 2015 là âm 204 tỷ đồng. Trước đó, trong báo báo gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, VST cho hay, để khắc phục, công ty sẽ tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh: Chấm dứt hoạt động kinh doanh kém hiệu quả như dịch vụ sửa chữa tàu, cho thuê kho bãi… đồng thời mở rọng dịch vụ quản lý khai thác tàu.

Tái cơ cấu tài chính cũng được VST đề cập nhằm tìm giải pháp phù hợp để thực hiện tái cơ cấu nợ vay tại các tổ chức tín dụng, tiến tới giảm âm vốn chủ sở hữu.Tuy nhiên, VTS thừa nhận “thị trường vận tải biển suy thoái kéo dài hơn 7 năm chưa có dấu hiệu hồi phục”.Với tình hình kinh doanh quá bết bát như vậy cộng với mức giá bán ra quá cao so với thị giá thì liệu cuộc thoái vốn của Vinalines tại VST có dễ dàng thành công?

H. Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến