Dòng sự kiện:
Phấn đấu ổn định lãi vay sản xuất kinh doanh
27/06/2019 14:01:35
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu các điều kiện kinh tế vĩ mô diễn biến thuận lợi thì từ nay đến cuối năm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ổn định như hiện nay...

Nhu cầu cân đối lãi suất đầu vào, đầu ra giúp mặt bằng lãi suất tại các NHTM giữ ổn định trong các tháng cuối năm

Lãi suất huy động ngắn hạn giảm nhẹ

Tuần qua, BacA Bank - một trong những ngân hàng có mặt bằng lãi suất huy động cao nhất hệ thống trong các tháng đầu năm - đã công bố giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn. Theo đó, nhà băng này giảm 0,2-0,3 điểm % đối với lãi suất huy động tiết kiệm các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, xuống còn tương ứng là 7,3%/năm và 7,5%/năm.

Ngoài BacA Bank, thời gian gần đây cũng có một số NHTM như VPBank, VIB, Techcombank… đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng khoảng 0,1-0,4 điểm %.

Tuy nhiên, số các nhà băng giảm lãi suất huy động là không nhiều và chủ yếu giảm ở các kỳ hạn ngắn, mức giảm cũng không lớn. Nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động khá ổn định trong 2 tháng gần đây. Hiện lãi suất huy động của các nhà băng phổ biến ở mức 0,5%/năm - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%/năm - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Tuy nhiên lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đang có độ doãng khá rộng.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trong khoảng 5,5%/năm đến 7,5%/năm; 9 tháng từ 5,5%/năm đến 7,8%/năm; 12 tháng từ 6,8%/năm đến 8%/năm. Thậm chí không ít ngân hàng đang trả lãi suất 8,6%/năm -8,7%/năm cho các kỳ hạn trên 24 tháng.

Với mức lãi suất huy động như kể trên, mặt bằng lãi suất cho vay các kỳ ngắn hạn cũng không có nhiều biến động. Thống kê của NHNN cho thấy, lãi suất cho vay các kỳ hạn dưới 12 tháng trong suốt 2 quý vừa qua vẫn được các NHTM giữ vững liên tục ở mức 6-9%/năm. Trong khi đó, trên thị trường, mặc dù lãi suất cho vay cá nhân (chủ yếu phục vụ mục đích tiêu dùng, mua nhà, mua ô tô) đang được nhiều NHTM điều chỉnh tăng nhưng mặt bằng lãi suất cho vay kinh doanh, cho vay vốn lưu động và cho vay các nhóm lĩnh vực ưu tiên vẫn được giữ ở mức hợp lý.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB thông tin rằng, với gói tín dụng 100 triệu USD vay từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), hiện ngân hàng này vẫn cho vay các DN thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm cho các hợp đồng vay ngắn hạn và 7,5-8%/năm với các kỳ dài hạn. Mức này được đa số các DN chấp nhận và đánh giá là phù hợp.

Trong khi đó, đại diện ABBank cho biết, hiện đơn vị này đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất với hạn mức 2.000 tỷ đồng và 50 triệu USD dành cho các khách hàng DN có phối hợp với ABBank trong việc thu nộp ngân sách. Các DN được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng và cam kết cho vay mức lãi suất chỉ từ 7,08%/năm đối với đồng VND và 3,0%/năm đối với đồng USD, cố định trong suốt thời gian vay, áp dụng cho các khoản giải ngân ngắn hạn.

Giữ ổn định lãi suất là thành công

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, với sự gia tăng liên tục của chỉ số CPI bình quân (đến tháng 5/2019 là 2,74%) cơ hội để giảm lãi suất huy động tại các NHTM là rất mong manh. Trong khi đó tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng hiện cũng đã ở mức thấp nên các nhà băng khó có cơ hội để giảm lãi suất đầu ra nếu lãi suất đầu vào không giảm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu các điều kiện kinh tế vĩ mô diễn biến thuận lợi thì từ nay đến cuối năm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ổn định như hiện nay. Đại diện Công ty Chứng khoán SSI nhận định rằng, hiện nay mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn đang ở mức thấp; lãi suất huy động thị trường 1 ổn định ở mức 4,1-5,5% (đối với kỳ hạn dưới 6 tháng) và khoảng 5,5-7,45% (với kỳ hạn 6-12 tháng).

Điều này cho thấy thanh khoản liên ngân hàng đang khá tốt, tạo cơ hội giúp các nhà băng ổn định và giảm nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ ngắn hạn. Từ đó tạo ra sự chênh lệch đáng kể giữa mức lãi huy động các kỳ dài hạn với ngắn hạn nhằm thu hút tiền gửi trung - dài hạn của khách hàng.

Bên cạnh đó, cũng theo SSI, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động hiện nay sẽ giúp các NHTM đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu từ khác đang phát triển nhanh (như trái phiếu, chứng chỉ quỹ…).

Ngoài ra, trong năm 2019, mục tiêu lợi nhuận trung bình của 17 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ ở mức 18%, thấp hơn khá nhiều so với mức 31% của năm 2018. Do vậy nhiều khả năng các NHTM lớn sẽ chú trọng hơn đến tính bền vững thay vì chạy theo tăng trưởng ngắn hạn. Vì thế, việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… sẽ được ưu tiên lựa chọn hơn thay vì tăng lãi suất cho vay.

Từ góc độ kinh doanh, đại diện lãnh đạo một chi nhánh VietCapitalBank tại TP.HCM nhận định rằng mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm, nhưng hiện nay việc cải thiện NIM bằng tiết giảm chi phí hoạt động đang ngày càng hạn chế, các NHTM cũng đang phải cạnh tranh mở rộng tín dụng. Khi doanh số cho vay lĩnh vực bất động sản chững lại thì các đơn vị cũng phải đào sâu khuyến mại, khai thác các gói vay lãi suất ưu đãi để tranh thủ thị trường 6 tháng cuối năm, đồng thời duy trì hiệu suất sử dụng vốn.

Chính vì vậy, việc tăng lãi suất cho vay, nhất là cho vay đối với DN sản xuất - kinh doanh có hạn mức thường xuyên sẽ khiến các ngân hàng khó giữ khách trong các năm tới.

Từ phía DN thường xuyên vay vốn, ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại quận 2, TP.HCM chia sẻ rằng, đến hiện tại thì chưa thấy các NHTM thông báo tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, thời gian qua một số NHTM đã tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn 13-24 tháng. Mức lãi suất này được lấy làm tham chiếu để tính lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn 3-5 năm của nhiều DN sản xuất xuất khẩu sau khi hết thời hạn khuyến mãi. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại lãi suất vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh có thể vẫn hợp lý ở mức 9-10%/năm, nhưng DN lo hết thời gian khuyến mãi sẽ phải trả lãi cao hơn.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến