Dòng sự kiện:
Phân loại 4.900 container vô chủ tồn đọng ở các cảng biển để xử lý
02/10/2018 11:03:27
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến 6/9, số container tồn đọng quá 90 ngày (coi như vô chủ) có khoảng trên 4.900 container, chiếm 32% số container còn tồn đọng và sẽ phân làm 2 loại để xử lý.

Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vào chiều tối ngày 1/10 về giải pháp để xử lý triệt để tình trạng hàng nghìn container đang tồn đọng tại các cảng biển gây nhiều hệ luỵ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, theo thống kê đến ngày 6/9, số container tồn đọng quá 90 ngày (coi như vô chủ) có khoảng trên 4.900 container, chiếm 32% số container còn tồn đọng.

Vì vậy, hướng xử lý có thể phân làm 2 loại. Thứ nhất là những lô hàng phế liệu do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu, sản xuất. Có 116 tổ chức cá nhân, chiếm 42%. Cơ quan hải quan yêu cầu khẩn trương làm thủ tục thông quan theo quy định.

Hàng phế liệu nhập về cảng Cát Lái. (Ảnh: TTXVN)

Trường hợp các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu bảo đảm môi trường thì sẽ được xử lý theo 2 hướng: Buộc tái xuất hoặc tiêu huỷ và chi phí xử lý do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chi trả.

Đối với các lô hàng phế liệu do 158 tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có giấy xác nhận, chiếm 58%, thì cơ quan hải quan tiếp tục xác minh các tổ chức nhập khẩu và xử lý như các tổ chức buôn lậu phế liệu theo hướng xử lý như trên. 

Đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu vô chủ thì xác minh các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xử lý như chất thải nguy hại hoặc tái chế. Quá trình này phải thực hiện theo các quy định của Chính phủ, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản và thời hạn sau 5 tháng thì xử lý theo quy trình này.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời báo chí về việc EC đang gia hạn 6 tháng “thẻ vàng” đối với thuỷ sản thì chúng ta có những giải pháp tiếp tục trong thời gian tới như thế nào, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết vấn đề “thẻ vàng” thuỷ sản đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp và đến bây giờ chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tháng 5/2018, đoàn thanh tra của EU đã sang kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương và ghi nhận rất cao nỗ lực và sự quyết liệt của Việt Nam trong khắc phục để chúng ta sớm được rút “thẻ vàng”. 

Tuy nhiên, một số vấn đề Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh để khắc phục: Hoàn thiện khung pháp lý; kiểm soát được tàu bằng lắp đặt các trang thiết bị; bảo đảm thực thi pháp luật chấm dứt tàu đánh bắt ở vùng biển không thuộc chủ quyền; bảo đảm truy xuất nguồn gốc hải sản hợp pháp khi xuất khẩu.

Thủy sản của Việt Nam được EC gia hạn xem xét thẻ vàng đến tháng 1/2019 (Ảnh minh họa).

"Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp trực tuyến và có Thông báo 30 về các giải pháp đồng bộ thực hiện. Gần đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các giải pháp cấp bách và nhiệm vụ trọng tâm để hướng tới tháo gỡ thẻ vàng. Bộ NN&PTNT đang chủ trì cùng các bộ ngành và địa phương thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt chúng tôi đang tạp trung cao chuẩn bị mọi điều kiện để đón đoàn Nghị viện EU sẽ sang giám sát theo kế hoạch từ cuối tháng 10/2018. Hy vọng với những cố gắng, đoàn giám sát của EU sẽ có đánh giá tích cực hơn đối với những nỗ lực của Bộ NN&PTNT và các địa phương", ông Doanh nói.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến