Dòng sự kiện:
Phản ứng của khách hàng trước 'nàng' robot 200 triệu phục vụ quán cà phê
16/12/2017 09:32:04
Nhiều khách hàng tỏ ra thích thú với 'cô nàng' robot phục vụ tại một quán cà phê tại Hà Nội. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đóng góp mong cải tiến, hoàn thiện hơn con robot này.

Gần đây, một quán cà phê tại Hà Nội đã thu hút sự tò mò của khách hàng bởi một nhân viên phục vụ rất đặc biệt. Đó là “nàng” robot có tên MORTA trị giá 200 triệu đồng do chính chủ quán cà phê này và cộng sự sáng tạo ra.

Cận cảnh "nàng" robot trị giá 200 triệu đồng

“Nàng” robot này khoác bên ngoài bộ áo nhựa được in 3D, cao 130cm, cân nặng 20kg có thể hoạt động liên tục trong hơn 15 tiếng. Anh Nguyễn Quốc Phi (chủ quán) chia sẻ, ý tưởng này lóe lên khi anh đi ăn trưa tại một nhà hàng ở Nhật Bản và gặp mô hình robot phục vụ tại đây.

Anh Nguyễn Quốc Phi, chủ quán cà phê đang thực hiện các thao tác điều khiển robot Morta

Sau 3 tháng, trải qua rất nhiều cuộc thử nghiệm, sai sót, thất bại với tổng chi phí vào khoảng 200 triệu đồng, robot MORTA được đưa vào hoạt động như một nhân viên chạy bàn thực thụ.

Tại quán cà phê này, robot sẽ đảm nhiệm việc đưa đồ uống tới từng bàn phục vụ khách hàng. Nhân viên pha chế chỉ cần đặt đồ uống lên chiếc khay trên tay robot, rồi chọn số bàn.

Số bàn được lập trình sẵn trên một cảm biến gắn trên mặt robot để nó có thể di chuyển đến nơi.

Di chuyển đến bàn của khách, mời khách nhận đồ uống, robot sẽ nói "Cảm ơn" trước khi rời đi. Khi gặp vật cản trên đường, “cô nàng” tự động dừng lại và nói "Làm ơn tránh đường".

Nguyên lý hoạt động của tiếp viên robot này dựa theo cảm biến từ, nhận diện các vạch kim loại nhôm và một số cảm biến khác như đo khoảng cách để robot di chuyển.

Theo Nguyễn Quốc Phi, qua thực tế sử dụng, MORTA đáp ứng tốt công việc chạy bàn. Tuy nhiên nó vẫn còn tồn tại nhiều nhược điểm như tốc độ di chuyển chậm, bị rung lắc trên đoạn đường không bằng phẳng, một số thao tác bị thừa.

Quán cà phê gây ấn tượng với kiểu trang trí như một phi thuyền vũ trụ

“Ngay sau khi MORTA được hoàn thành, tôi và các cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu con robot thứ 2 để cải thiện những hạn chế này”, anh Phi chia sẻ.

Hai lỗ cảm biến để robot nhận biết vật cản.

Tò mò tìm đến quán, anh Nguyễn Văn Huy, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cảm thấy rất thú vị khi lần đầu tiên trải nghiệm dịch vụ này. Vị khách này dành khá nhiều lời khen: “Màu sắc nhã nhặn, giọng nói nhẹ nhàng, dễ nghe. Tuy nhiên, nếu các cử động của robot mượt mà, nhịp nhàng hơn thì sẽ tránh được tình trạng nước bị sóng sánh văng ra ngoài”.

Một số bạn trẻ tỏ ra thích thú và ghi lại hình ảnh của cô robot dễ thương

Còn chị Lê Thị Minh Ngọc, trú quận Đống Đa (Hà Nội) thì mong muốn robot có thể giao tiếp linh hoạt hơn với khách để xóa nhòa khoảng cách giữa người máy và người thật. Tuy vậy chị cũng vui vẻ nhận định rằng “cô nàng” robot này chắc chắn sẽ chiếm được nhiều cảm tình từ khách hàng.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến