Dòng sự kiện:
Phạt nặng hành vi cạnh tranh không lành mạnh
18/06/2018 15:11:20
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thay thế Luật Cạnh tranh năm 2005 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2019. Ngoài các quy định về quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh...

Luật quy định rõ nguyên tắc xử lý vi phạm, các hình thức xử lý vi phạm và đặc biệt là mức phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh.

Về quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh, Luật quy định rõ: Doanh nghiệp (DN) có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh danh. Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng, lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của DN, của người tiêu dùng.

Luật cũng nêu các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh như: Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với DN cụ thể; Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hoặc các DN liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.

Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây ra thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Luật này là 100 triệu đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh; Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả: Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; Loại bỏ điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thoả thuận hoặc giao dịch kinh doanh; Chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế...

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, nhiều quy định "mạnh tay", được kỳ vọng sẽ trị được "bệnh" cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Tạp chí Tài chính

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến