Dòng sự kiện:
Phát triển thị trường nội địa để giảm rủi ro
17/07/2018 13:00:56
Lãnh đạo ngành công thương cho rằng, việc Mỹ đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu từ tuần qua có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm được sản xuất tại thị trường đông dân nhất thế giới.

“Chiến tranh thương mại” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong dòng thời sự những ngày qua. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo Thủ tướng về dự báo những ảnh hưởng của việc Mỹ và Trung Quốc chính thức áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của nhau mỗi năm tới Việt Nam.

Lãnh đạo ngành công thương cho rằng, việc Mỹ đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu từ tuần qua có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm được sản xuất tại thị trường đông dân nhất thế giới, trong đó có các mặt hàng mà Việt Nam chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ... tràn vào nước ta.

Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 so với 6 tháng đầu năm 2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Việc các nước tăng cường áp dụng biện pháp bảo hộ khiến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, thách thức đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là hiện hữu và nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng nên có thể bị ảnh hưởng từ các biến động kinh tế thế giới. Điểm khó trong cuộc chiến này là không ai biết nó sẽ kết thúc khi nào và do đó khó có thể đưa ra dự báo chuẩn xác để xây dựng chiến lược, kế sách ứng phó. Một số chuyên gia cho rằng mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể ra sao phải chờ thêm thời gian và cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “vừa tích cực, vừa tiêu cực” đối với Việt Nam.

Sự dịch chuyển nhà máy sản xuất của các công ty từ Trung Quốc sang các quốc gia khác để tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang là xu hướng. Căng thẳng về thương mại Mỹ - Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú hích để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.

Dẫu vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rủi ro bởi Mỹ và Trung Quốc cũng là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn chắc chắn tác động tới nước ta.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, nhất là về lâu dài. Ông lo lắng nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu nhiều hơn từ Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại này, khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ, và chuyển hướng sang các thị trường khác. Rủi ro này được ông Lộc quan ngại, khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hoá của nước láng giềng ở phía Bắc lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa.

Quay trở lại với cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm ngàng công thương, giải pháp ứng phó trước mắt của Việt Nam, theo người đứng đầu Cục Xuất nhập khẩu, là thực hiện đồng thời ba giải pháp như tổ chức tốt nguồn hàng; củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu và khâu tổ chức xuất khẩu.

Trên thực tế, tổ chức tốt nguồn hàng và củng cố, mở rộng thị trường cũng là những giải pháp mang tính căn cơ trước nay về phát triển thị trường nội địa. Và, trong mối lo ngại của các cơ quan quản lý nhà nước về việc hàng Trung Quốc sắp tới sẽ tràn vào Việt Nam mạnh mẽ thì những giải pháp về phát triển thị trường nội địa, quan tâm và chú trọng phục vụ người tiêu dùng trong nước càng cần phải được ưu tiên và triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến