Dòng sự kiện:
Phó thủ tướng: Chống thất thu, nợ đọng quan trọng hơn đánh Thuế tài sản
19/07/2018 09:17:25
Ông Vương Đình Huệ cho rằng chống thất thu, nợ đọng thuế mới là vấn đề cần ưu tiên để tăng thu ngân sách.

Câu chuyện về Thuế Tài sản, gồm thuế nhà và đất (đất phi nông nghiệp và nông nghiệp) vừa được lãnh đạo Chính phủ đề cập trong hội nghị sơ kết ngành của Bộ Tài chính sáng 18/7.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, thuế nhà đất vẫn là vấn đề Bộ Tài chính cần nghiên cứu bởi đây là nguồn thu của các địa phương, đồng thời liên quan đến nghĩa vụ của người dân với vấn đề kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, theo ông, dư địa để tăng ngân sách từ số thuế bị thất thu, đặc biệt từ trốn thuế, chuyển giá và nợ đọng còn rộng hơn rất nhiều. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP

Dẫn lại tính toán của Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cả nước thu được 2.900 tỷ đồng nếu đánh thuế với ngưỡng trên 700 triệu đồng và thu 1.500 tỷ đồng nếu lấy ngưỡng một tỷ đồng.

"Thử tính, 1.500 tỷ đồng này chỉ bằng một phần bao nhiêu của số nợ đọng thuế? Trong khi đó, trên thế giới, một số nước phải mất 2 đồng cho chi phí quản lý thuế nhà đất mới thu được một đồng thuế", Phó thủ tướng lý giải và cho rằng, để tăng thu ngân sách, chống thất thu và nợ đọng thuế mới là vấn đề quan trọng.

Về nhiệm vụ thu hồi nợ đọng thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, ngành đặt mục tiêu cuối năm 2018 giảm nợ đọng thuế xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước. 

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính 6 tháng có 10 địa phương thu nội địa thấp hơn so với cùng kỳ. Loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, 32 địa phương tiến độ thu ngân sách thấp so với dự toán, trong đó có 13 địa phương đạt dưới 45% dự toán năm.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ cần phối hợp với các địa phương rà soát công tác thu, đặc biệt là tại 20 địa phương mới đạt 50% dự toán.

"Đừng để nước đến chân mới nhảy, cần phải chỉ rõ nguyên nhân là do dự toán hay do quản lý chung", ông nói, đồng thời lưu ý nếu không tính toán sớm có thể xảy ra tình trạng cuối năm các địa phương hụt thu và ngân sách trung ương phải gánh. Bởi theo ông, không thể lấy ngân sách của tỉnh vượt thu đi bù cho tỉnh hụt thu được mà ngân sách trung ương phải có trách nhiệm với các tỉnh hụt thu.

"Tôi nghĩ cần phải có tổ công tác rà soát chuyện này, đốc thu và quản lý thu là tiến hành ngay từ bây giờ. Áp dụng tất cả các biện pháp để vượt ngân sách", ông nhấn mạnh. 

Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu siết chặt việc chi tiêu, đảm bảo đúng mục tiêu, đặc biệt là những khoản chi khánh tiết, lễ tân, hội nghị, lễ hội, mua sắm công, đi công tác nước ngoài... Việc siết chặt chi tiêu theo Phó thủ tướng, cần kết hợp chặt chẽ với xử lý nghiêm theo các kết quả thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong chi tiêu thường xuyên.

Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 651.700 tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nội địa tăng 15,5% so cùng kỳ năm 2017. Thu từ dầu thô ước đạt 29.600 tỷ đồng, tăng 25%.

Tổng chi ngân sách 6 tháng đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán. Chi đầu tư xây dựng cơ bản (bao gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ). Tiến độ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2017, song vẫn chậm so yêu cầu dự toán. 

Nửa đầu năm, ngành thuế thực hiện trên 22.600 cuộc thanh tra và kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách 4.700 đồng (trong đó số đã nộp gần 2.000 tỷ đồng), thu hồi 14.880 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Thanh tra Bộ Tài chính triển khai 22 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 15 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về tài chính 1.910 tỷ đồng. 

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến