Dòng sự kiện:
'Quả bóng' trách nhiệm khi buýt nhanh BRT 'thất bại' thuộc về ai?
10/11/2018 10:47:40
Chuyên gia cho rằng, TTCP đã chỉ rõ buýt BRT không đáp ứng được kỳ vọng cũng như mục tiêu ban đầu nhưng đến giờ vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm về việc này. Phải chăng họ đang đùn đẩy trách nhiệm?

Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra hàng loạt sai phạm, hoạt động không hiệu quả (thất bại) của tuyến buýt nhanh BRT và quy rõ trách nhiệm thuộc về UBND TP.Hà Nội, sở GTVT Hà Nội, ban Quản lý dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm cùng với việc người dân phải dắt xe đi trên vỉa hè đường Tố Hữu càng khiến dư luận bức xúc.

“Quả bóng” trách nhiệm khi buýt nhanh BRT “thất bại” thuộc về ai?

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng: “Dự án buýt nhanh BRT Hà Nội hoạt động không hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và lãng phí cả không gian. Lãng phí ở đây chính là đầu tư lớn nhưng chỉ đạt được hiệu quả khoảng 50%, còn không gian là vì tuyến đường giao thông vốn đã hẹp lại phải dành 1 làn riêng cho BRT trong khi các phương tiện khác phải chen nhau để đi”.

“Mặc dù TTCP đã chỉ rõ buýt BRT không đáp ứng được kỳ vọng cũng như mục tiêu ban đầu nhưng đến giờ vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm về việc này, phải chăng họ đang đùn đẩy trách nhiệm, “cha chung không ai khóc”?, TS. Hiển nhìn nhận.

TS. Hiển cho rằng, phải thận trọng cân nhắc kỹ bằng việc nhìn thẳng vào các vấn đề đang tồn tại của BRT Hà Nội và phải đánh giá đúng nhu cầu sử dụng, chi phí đầu tư và hạ tầng kết nối. Từ đó, cần quy rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân ngay từ đầu nếu không bảo đảm theo những tiêu chí đặt ra.

Theo tìm hiểu của PV, minh chứng cho “thất bại” của tuyến buýt nhanh BRT càng thể hiện rõ hơn khi trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị thống kê: Trong 9 tháng đầu năm 2018, tuyến buýt nhanh BRT chỉ đạt được 92.828 lượt xe - 3,72 triệu lượt khách, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoài.

Trung bình 40,2 khách/mỗi lượt/tuyến trong khi công suất tiêu chuẩn là 90 khách/lượt. Tức là tuyến buýt nhanh BRT mới chỉ đáp ứng được chưa đầy 50% công suất.

Điều này càng cho thấy, kết luận của TTCP là chuẩn xác, khi kết luận số 1468/KL-TTCP của TTCP khẳng định: Việc đầu tư dự án chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật.

Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

Tổ chức giao thông trên cung đường có làn BRT chạy chưa hợp lý

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng CSGT (Công an TP.Hà Nội) nhìn nhận: Cung đường Tố Hữu có tuyến buýt nhanh BRT đi qua có tổ chức điểm quay đầu phương tiện, nhưng vì phải đi thêm một đoạn nữa mới đến điểm lối mở quay đầu. Cho nên theo tâm lý, người dân "đốt cháy giai đoạn" bằng cách đi ngược chiều trên vỉa hè.

Nhận thấy việc vi phạm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, phòng CSGT TP.Hà Nội đã phân công lực lượng CSGT túc trực ở cung đường đó để phân luồng. Sở dĩ xuất hiện tình trạng trên, bởi việc tổ chức giao thông ở cung đường đó chưa được hợp lý. Đơn vị sẽ phối hợp với sở GTVT nghiên cứu, tổ chức lại giao thông, làm sao cho người dân đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn, vừa tuân thủ luật Giao thông đường bộ, vừa không phải đi quá xa.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến