Dòng sự kiện:
Quản lý thuế: Không dùng tiền mặt để giảm tiêu cực
22/02/2019 17:01:41
Thảo luận về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 21/2, nhiều đại biểu cho biết, so với Luật hiện hành thì dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể.

Luật phải ngăn chặn được trốn thuế

Báo cáo giải trình do ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày cũng nêu rõ: Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo lần này có khoảng 1/4 số điều của Luật (36/152 điều) và 13 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có khoảng 15 điều trong Luật hiện hành không giao Chính phủ quy định chi tiết nay lại được bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm được tình trạng trốn thuế

Mới tuần trước nhận được tin nhắn của cử tri thắc mắc về quản lý thuế thu nhập trong giới ca sĩ, nghệ sĩ, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Luật Quản lý thuế sau khi sửa đổi thì có ngăn chặn được tình trạng trốn thuế thu nhập cá nhân không? Trong Luật khi đề cập đến nhiệm vụ của các bộ, ngành nhưng không nêu chút nào đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Cử tri cũng đặt câu hỏi rằng, việc thất thu ngân sách trong các trạm thu phí BOT có nguyên nhân từ chậm triển khai thu phí không dừng. “Nghị quyết 47 của Quốc hội nêu rõ đến năm 2019 phải hoàn thành việc thu phí không dừng. Điều 15 về Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ trong việc quản lý thuế. Cụ thể hơn, khoản 8 Điều 15 có nêu nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông - Vận tải nhưng với trường hợp thất thu từ các trạm BOT thì trách nhiệm thuộc bộ nào, Luật sửa lần này cần quan tâm”, bà Hải cho biết.

Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cán bộ quản lý thuế được quy định  trong Điều 10 của dự thảo Luật, tuy nhiên theo bà Hải thì ngoài theo quy định của pháp luật, cần bổ sung thêm điều khoản tăng cường việc luân chuyển cán bộ, tăng trách nhiệm cho cán bộ để tránh tiêu cực.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý thuế

Về đồng tiền khai thuế, nộp thuế được quy định trong Điều 7 dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm “Tỷ giá giao dịch thực tế” vì có thể được hiểu theo nhiều cách và thỏa thuận giữa 2 bên thống nhất và chênh lệch lớn so với tỷ giá mà NHNN Việt Nam quy định.

Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về “tỷ giá giao dịch thực tế” đã được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành. Việc thực hiện trong thời gian qua không phát sinh vướng mắc và quy định này phù hợp với thực tế. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ đề nghị Quốc hội cho phép giữ như dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sửa quy định tỷ giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật hải quan.

Đối với giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (Điều 8), có ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ “đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử” tại Khoản 1; đồng thời xây dựng lộ trình từ giai đoạn chuyển tiếp rồi dần đến tiến hành điện tử hóa trong lĩnh vực thuế và quy định đối tượng bắt buộc phải điện tử hóa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế là nội dung mới trong dự thảo Luật, do đó, để bảo đảm các điều kiện cho việc triển khai thực hiện, dự thảo Luật đã quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 1 Điều 151 quy định thời điểm hiệu lực đối với hóa đơn điện tử trong lĩnh vực thuế chậm nhất là 2 năm sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Thảo luận rộng hơn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, một nội dung được khá nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đó là ứng dụng giao dịch điện tử trong khai nộp thuế. Các ý kiến cho rằng, phải làm sao qua Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này đẩy mạnh được công tác thanh toán không dùng tiền mặt như mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát để có những quy định đẩy mạnh thu, nộp thuế điện tử và không dùng tiền mặt để đảm bảo giảm được người, nhanh thủ tục và giảm tiêu cực.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, cần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đã nêu tại phiên họp này, đặc biệt là công khai minh bạch thu thuế; bám sát các nội dung về tố cáo, đảm bảo quyền khiếu nại tố cáo của công dân; Cần có các quy định áp dụng quản lý thuế điện tử, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát thuế, xem xét áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, bởi Chính phủ đã có Nghị định về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt rồi.

Ngoài ra, liên quan đến Điều 21 và 22 của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, Kiểm toán Nhà nước và thanh tra. Phải làm sao bảo đảm đúng trách nhiệm của từng cơ quan.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến