Dòng sự kiện:
Quảng Nam: Điêu đứng vì 120 tấn đường mía 'phơi nắng'
22/05/2017 13:59:40
Vì những vướng mắc trong việc áp dụng chính sách thuế mà 120 tấn đường phải "dãi nắng dầm mưa" suốt 1 tháng trời ở hải cảng. Sự việc khiến doanh nghiệp lo lắng, bất an.
Ngày 21/5, PV nhận được phản ánh của ông Ngô Hữu Lộc (trú xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) về việc 120 tấn mía đường của ông phải "phơi nắng" tại Cảng Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam). Sự việc khiến ông điêu đứng.

Trong sự lo âu, ông Lộc trình bày, theo Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào ký kết ngày 3/3/2015 và Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt – Lào. Trong đó quy định về “Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Lào theo Hiệp định thương mại Việt-Lào” được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất nhập khẩu ATIGA (thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) khi nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể hơn, theo quy định này thì mặt hàng đường mía có xuất xứ từ Lào khi nhập khẩu về Việt Nam không nằm trong hạn ngạch thuế quan, với thuế suất nhập khẩu là 2.5%.

120 tấn đường mía của ông Lộc "phơi nắng" tại cảng vì những lúng túng trong giải quyết của ngành chức năng

Từ căn cứ đó, ngày 31/3, ông Lộc đại diện cho Công ty Hoàng Nam Giang ký hợp đồng kinh tế mua 2.000 tấn đường mía với Công ty Mitra Lao (Lào) với tổng số tiền 1 triệu USD. Cũng theo phản ánh của ông Lộc, tiếp tục ngày 15/4, đơn vị của ông Lộc cho nhập trước 120 tấn đường mía từ Lào về Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Tại đây, đơn vị đã mở tờ khai hải quan với thuế suất nhập khẩu 2.5% (khoảng 103 triệu đồng).

"Tuy nhiên, sau đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo nói rằng 120 tấn đường mà đơn vị tôi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam theo Hiệp định thương mại song phương Việt - Lào là mặt hàng “nằm trong hạn ngạch” phải chịu thuế suất nhập khẩu là 80%, chứ không phải mặt hàng “không nằm trong hạn ngạch” được hưởng thuế suất nhập khẩu là 2.5%. Tôi rất bất ngờ trước sự việc này", ông Lộc cho hay.

Không chấp nhận bị áp thuế suất nhập khẩu lên đến 80%, ông Lộc đã liên hệ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) để xin mở tờ khai hải quan tại đây để nhập 120 tấn đường đang bị ách tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo với thuế suất nhập khẩu 2.5%.

Theo tờ khai bổ sung hàng hóa nhập khẩu số 101368983924 đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà thực hiện cho công ty  của ông Lộc, chuyển 120 tấn đường đang nằm tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo về cảng Kỳ Hà để thông quan theo quy định. 120 tấn đường mía phải được đưa về  Chi cục Hải quan cửa khẩu Kỳ Hà để kiểm tra thực tế.

Trớ trêu thay, khi hàng được chuyển về cảng Kỳ Hà thì bất ngờ  Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà lại cho rằng 120 tấn đường của ông Lộc nhập khẩu từ Lào về “nằm trong hạn ngạch” phải chịu thuế suất nhập khẩu là 80% (khoảng hơn 1 tỷ đồng).

"Đầu tiên, cảng Kỳ Hà đã cho tôi chuyển hàng về để thông quan với thuế suất 2.5%. Nay lại đòi áp thuế suất 80%. Sao lại “tiền hậu bất nhất” như vậy? Đường mía của tôi vì vậy mà phải phơi mưa nắng ở cảng. Việc làm này khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn, ngoài hàng hóa hư hỏng thì nguy cơ còn bị phía đối tác bắt đền bù hợp đồng do chậm trễ giao hàng", ông Lộc nói.

Trước những vướng mắc về thuế, Hải quan Quảng Nam đã xin ý kiến cấp trên

Để làm rõ hơn những thắc mắc theo phản ánh của ông Lộc, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Thành Khang – Quyền Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam. Theo lời ông Khang, căn cứ quy định WTO, mặt hàng đường là 1 trong 4 mặt hàng phải áp dụng hạn ngạch thuế quan. Đồng nghĩa mặt hàng đường có xuất xứ từ Lào nhập về không được hưởng ưu đãi thuế suất nhập khẩu là 2.5% như Hiệp định thương mại song phương Việt-Lào và Nghị định 124 của Chính phủ quy định.

Nói rõ hơn về trường hợp của ông Lộc, vị Quyền Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam phân tích, trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường nói trên, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam phát sinh vướng mắc về chính sách thuế đối với mặt hàng đường thô nhập khẩu. 

Cụ thể hơn, theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP thì mặt hàng đường thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương. Hiện nay Bộ Công thương chưa có công bố danh sách doanh nghiệp được cấp hạn ngạch thuế quan năm 2017.

Cùng với đó, Thông tư 04/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định các mặt hàng thuộc danh mục áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu không có giấy phép của Bộ Công Thương được áp dụng mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan.

Tuy nhiên, ông Khang cũng thừa nhận là theo quy định tại Nghị định 124/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt-Lào thì mặt hàng đường được hưởng ưu đãi giảm 50% mức thuế suất nhập khẩu theo biểu thuế ưu đãi đặt biệt ATIGA (2.5%), nhưng chưa quy định rõ mức thuế này áp dụng trong hạn ngạch hay ngoài hạn ngạch thuế quan.

Do sự bất cập đó, Hải quan Quảng Nam không biết xử lý trường hợp của ông Lộc như thế nào. Vì thế, ngày 26 và 28/4, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đã có hai văn bản gửi lên Tổng cục Hải quan và Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính để xin ý kiến chỉ đạo về việc áp dụng thuế suất đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam của công ty ông Lộc. Tuy nhiên, đến nay đã gần tròn 1 tháng vụ việc vẫn chưa có tiến triển.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin!

N.Thân
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến