Dòng sự kiện:
Quốc hội lo tăng trưởng khó đạt 6,7%
22/05/2017 19:33:54
Với kết quả kinh tế Chính phủ báo cáo thực hiện trong bốn tháng đầu năm vừa qua không như mong muốn, Quốc hội lo ngại tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 sẽ khó đạt 6,7% như mục tiêu đã đề ra và khả năng chỉ đạt 6,3-6,5%.

Đó là nhận định của Quốc hội, sau khi nghe Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đại diện Chính phủ, báo cáo tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 ngay sau phiên khai mạc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 diễn ra sáng nay 22-5.

Phó thủ tướng thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình đọc báo cáo trước Quốc hội sáng 22-5.

Kết quả thực hiện

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 so với tháng 12-2016 tăng 0,9%. Tín dụng tăng 5,75%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và nông sản tăng mạnh, tăng 16,8%... Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32,7% dự toán cả năm (tăng 17,8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 7,4%, cao hơn so với tháng 3 (5,5%) và quí 1-2017 (4,1%)...

“Tăng trưởng GDP quí 1 đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ. Việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm”, Phó thủ tướng nói.

Tính đến ngày 20-4, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,78% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,54%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 3,39% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,01%). Tín dụng cho nền kinh tế tăng 4,86% so với tháng 12-2016, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 2,99%.

Tổng lượng khách quốc tế 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 62,09 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2016 tăng 6,6%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 17,26 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 44,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,1%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2017 đạt gần 64 tỉ đô la Mỹ, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 38,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,4%; khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 25,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,6%.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lớn hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khiến cho nhập siêu gia tăng. Nhập siêu 4 tháng năm 2017 là 1,91 tỉ đô la Mỹ, chiếm 3,1% kim ngạch xuất khẩu...

Cơ cấu lại kinh tế còn chậm

Sau khi Phó thủ tướng trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ông Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo đánh giá của Quốc hội về kết quả thực hiện trên.

“Tăng trưởng của quí 1 vừa qua 5,1% là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, tăng trưởng trung bình các quí còn lại phải trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho hay, một số ý kiến đề nghị phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững. Tăng trưởng quí 1 vừa qua ở mức thấp có nguyên nhân từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay cho công nghiệp khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa.

Ông Thanh đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Ông Thanh cho biết, có ý kiến lo ngại con số nhập siêu cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, chuyển nhanh từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu. Vì vậy, thời gian từ nay đến cuối năm cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, không gây ảnh hưởng đến mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội.

CPI bình quân 4 tháng qua tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại lạm phát năm 2017 có thể diễn biến phức tạp và sẽ cao hơn chỉ tiêu lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Quốc hội, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách trong 4 tháng đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Một số dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm.

“Có ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội do dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 khó đạt 6,7% trong khi thực hiện chi chuyển nguồn vốn tái phiếu chính phủ năm 2016 sang năm 2017 và vốn vay ODA thực tế cao hơn so với dự toán”, ông Thanh nói.

Kiến nghị giải pháp

Cùng với việc báo cáo các kết quả đạt được, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đại diện Chính phủ kiến nghị hàng loạt giải pháp thực hiện trong thời gian tới để đạt được các mục tiêu.

Các giải pháp bao gồm tiếp tục thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với việc nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao tỷ trọng tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh; tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; nghiên cứu giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm soát chặt và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng. Triển khai các giải pháp kỹ thuật để tăng sản lượng khai thác dầu thô trong nước năm 2017 cao hơn so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao; khai thác tối ưu trên cơ sở đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn khai thác mỏ và bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo định hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; triển khai ngay các biện pháp giải cứu ngành chăn nuôi heo và phát triển thị trường tiêu thụ; tiếp tục triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất và khai thác thủy sản tại các khu vực chịu tác động bởi sự cố môi trường biển…

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tìm cách thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ và thị trường trong nước...

Đánh giá về các đề xuất và giải pháp của Chính phủ, ông Thanh cho hay, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp của Chính phủ. Song Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm đến một số giải pháp đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI có chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ (chỉ khuyến khích ngành thép, xi măng...). Chính phủ nên nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TPHCM.

Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ phải được tập trung thực hiện theo hướng ổn định lạm phát cơ bản, điều hành tỷ giá ở mức hợp lý, dự báo và xây dựng các kịch bản lạm phát khi tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục và các mặt hàng điện, xăng dầu...

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giảm áp lực nợ công, quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay trả nợ nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Chính phủ cần tiếp tục triển khai quyết liệt trên thực tế Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại các ngành kinh tế, trước mặt tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp để góp phần khai thác các nguồn lực thay thế so sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng thời gian qua.

Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng yếu kém và quản lý chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Các giải pháp khác bao gồm việc thực hiện chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một số mặt hàng của các doanh nghiệp FDI; thực hiện các chính sách chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm chưa qua chế biến. Ngoài ra, cần đầu tư, xây dựng thương hiệu những sản phẩm có chất lượng quy mô sản xuất lớn để phục vụ xuất khẩu...

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến