Quy hoạch cà phê ở Đăk Lăk
07/08/2014 10:26:27
Xuất phát điểm thấp về công nghiệp và dịch vụ, kinh tế Tây Nguyên phụ thuộc nhiều vào cây cà phê. Nói về sự phát triển bền vững của cây trồng này, ông Y Dhăm Ênuôl, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho hay, cà phê đóng góp đến 80% kim ngạch xuất khẩu của địa phương, tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế và quy hoạch vùng nguyên liệu cà phê, Đăk Lăk quyết tâm đi vào phát triển bền vững với diện tích quy hoạch chỉ 140-150 nghìn hecta vào năm 2015, hướng tới bảo đảm sản lượng và chất lượng cà phê trên địa bàn.

 

Cây cà phê Tây Nguyên vẫn phát triển kém bền vững
 

Vấn đề đối với ngành cà phê Đăk Lăk nói riêng, cũng như của khu vực Tây Nguyên nói chung hiện nay là sự phát triển tự phát. Hiện tổng diện tích cà phê của Đăk Lăk đã lên trên 200 nghìn hecta. Trong đó, diện tích cà phê của các DN Nhà nước chỉ chiếm 15-17%, diện tích còn lại đều do nông dân sở hữu. Như vậy, đồng nghĩa với việc mục tiêu phát triển cà phê bền vững về diện tích trên thực tế chưa được bảo đảm.

 
Rất nhiều diện tích trồng cà phê hiện nay không nằm trong quy hoạch, không phù hợp về thổ nhưỡng, cấp nước… đang tạo nên những rủi ro về sản lượng và chất lượng cà phê xuất khẩu. Người trồng đang đối mặt với những vụ mùa thất bát. Còn DN chế biến, xuất khẩu chịu rủi ro thua lỗ… Điều này dẫn đến điệp khúc buồn “được mùa mất giá, mất mùa được giá” cứ tái diễn suốt thời gian qua.
 
Bài toán tái canh đã được đặt ra nhưng lời giải còn dở dang khi vốn thì cần nhiều, kỹ thuật lại chưa hoàn thiện. Con số 20% diện tích ngoài vùng quy hoạch đồng nghĩa với không đủ nguồn nước tưới và đối mặt với hạn hán, chi phí đầu vào tăng, năng suất giảm hoặc mất trắng mỗi mùa khô đến. Các chuyên gia cũng đã cảnh báo về tình trạng sử dụng bón phân hóa học mức cao độ liên tục, thiếu phân hữu cơ, cây che bóng…
 
Những yếu tố trên đã tác động tiêu cực đến môi trường canh tác như làm đất thoái hoá, sâu bệnh gia tăng, vườn cây nhanh suy kiệt. Đồng thời, diện tích tăng đồng nghĩa với lượng nước để tưới cà phê cũng tăng theo, gây nên việc sử dụng nước quá mức. Trong khi đó, tài nguyên nước ngầm ngày càng suy giảm, dẫn đến chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm. Đi cùng với đó, chất lượng cà phê cũng không đồng đều khi vẫn còn tình trạng thu hoạch xanh, non, sơ chế bảo quản không tốt.
 
Theo ông Y Dhăm Ênuôl, trước tình trạng chi phí sản xuất cà phê đang gia tăng, đặc biệt ở các vùng không phù hợp cho cây cà phê như hiện nay, người dân cần phải điều chỉnh và chuyển đổi canh tác, chuyển sang chuyên canh những loài cây phù hợp với thổ nhưỡng, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, không đầu tư ào ạt, nuôi trồng theo phong trào…
 
Về phía DN sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê, ông Trần Quang Đính, Giám đốc Công ty Cà phê 331 góp thêm ý kiến, thời gian qua, cây cà phê phát triển theo phương thức thâm canh cao độ để gia tăng sản lượng nên hậu quả là làm giảm chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê, làm tăng các loại vi sinh vật có hại, làm giảm chất lượng đất.
 
Nông dân làm cà phê nhưng chi phí đầu vào còn quá cao, chiếm đến 50% tổng doanh thu, trong đó có chi phí về nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu 1 ha cà phê thu hoạch được 3 tấn nhân thì lãi chẳng được bao nhiêu...
 
Ông Đính cho rằng, để phát triển cà phê theo hướng bền vững phải có chiến lược phát triển gắn với thực tế, trong đó xác định vai trò của từng đơn vị, từng ngành và có kiểm tra, giám sát. Quan trọng và lâu dài nữa là phải thay đổi nhận thức cho nông dân. Đối với việc hiệu quả trong hoạt động sản xuất cà phê, người nông dân cần liên kết với nhau dưới mô hình nhóm nông hộ cùng sở thích, cùng làm… giúp cà phê được trồng tập trung, trên một đơn vị diện tích phù hợp có thể chỉ cần một chiếc máy tưới thay vì nhà nào cũng phải đầu tư máy...
 
Công Thái

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến