Dòng sự kiện:
Rất khó để khẳng định chấm thi Ngữ văn có bất thường
13/08/2018 08:25:17
Trước những ồn ào về điểm thi bất thường môn Ngữ văn của tỉnh Thái Nguyên, Tổ trưởng tổ chấm thi môn Ngữ văn tỉnh Hải Dương cho rằng chấm thi Ngữ văn nhiều phần do quan điểm cá nhân.

Môn Ngữ văn được chấm theo hình thức thi tự luận nên thường xuất hiện những ý kiến khác nhau khi chấm. 

Điểm số phụ thuộc quan điểm người chấm

Liên quan tới những nghi vấn bất thường trong chấm thi môn Ngữ văn thời gian qua, ông Phạm Văn Khanh - Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời là Tổ trưởng tổ chấm văn tỉnh Hải Dương cho rằng: Việc chấm môn Ngữ văn ngoài việc căn cứ vào hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT còn phụ thuộc nhiều vào quan điểm của người chấm.

Ông Khanh nói: “Chấm môn Ngữ văn bây giờ khẳng định có bất thường hay không là rất khó, đặc biệt nếu người chấm và thư ký thống nhất được với nhau về quan điểm. Bài mà cố tình nâng điểm từ 4 lên 8 thì rất dễ khẳng định có tiêu cực. Nhưng nếu bài trong khoảng 8,5 đến 9 thì việc cho thí sinh được 9 điểm là điều rất bình thường. Chênh lệch trong môn Ngữ văn khoảng 0,5 điểm đến 1 điểm lâu nay vẫn thường có những tranh cãi, nhưng chưa bao giờ ngã ngũ cả”, ông Khanh nói.

Ông Khanh nhận định thêm, so với Sơn La, Hà Giang hay Hòa Bình, việc Thái Nguyên có nhiều bài được điểm 9 có lẽ không có gì bất thường. Bởi Thái Nguyên cũng là một trung tâm giáo dục lớn, có nhiều lợi thế về học tập.

Để việc chấm thi môn Ngữ văn những năm tiếp theo bám sát hơn so với hướng dẫn của Bộ GDĐT, ông Khanh đề xuất: “Bộ GDĐT cần đưa hướng dẫn chi tiết hơn nữa để các địa phương có căn cứ chấm chuẩn hơn. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, việc chấm thi môn này có chênh lệnh sẽ không bao giờ hết tranh cãi, vì bản chất của văn chương là vậy”.

Đồng quan điểm trên, cô giáo Lê Thu Thủy, 1 giáo viên Văn tại Hà Nội chia sẻ: “Về việc chấm thi môn Ngữ văn, dư luận cần có cái nhìn khách quan hơn. Để chắc chắn điều bất thường hay không thì chỉ có việc rút chấm thẩm định lại mới có thể khẳng định được. Chúng ta không nên có những nghi ngờ ảnh hưởng tới các em có điểm thi thực chất, đúng với lực học của các em. Trong vụ việc ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, rất nhiều thí sinh có điểm thực chất bị tổn thương”.

Thái Nguyên cao thứ 6 cả nước

Trước đó, như đã đưa tin, theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2018, cả nước có 901.806 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, điểm trung bình cả nước là 5,45.

Tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, tổng thí sinh tham dự là 14.265 thí sinh. Điểm trung bình thi môn Ngữ văn là 6,1. Với điểm số này, Thái Nguyên là địa phương có điểm trung bình môn Ngữ văn cao thứ 6 cả nước.

Trong đó, số thí sinh có điểm trên 9 là 164, chiếm tỉ lệ 1,149%. Như vậy, tỉ lệ thí sinh có điểm trên 9 của Thái Nguyên cao xấp xỉ 4,4 lần tỉ lệ trung bình cả nước.

Hà Tĩnh là địa phương có tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên cao nhất, đạt 1,6%; chiếm 11,1% điểm số điểm từ 9 trở lên so với cả nước. Xếp sau Hà Tĩnh là Hậu Giang, có tỉ lệ điểm 9 trở lên 1,45%. Tỉnh Hậu Giang cũng là địa phương dẫn đầu về điểm trung bình môn Ngữ văn với 6,49. Trong hơn 6.000 thí sinh dự thi của tỉnh, có 89 em đạt từ 9 trở lên, chỉ 3 em bị điểm liệt.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có tỉ lệ điểm 9 trở lên môn Ngữ văn rất thấp, chỉ với 0,006% so với số thí sinh dự thi của tỉnh.

Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu... nằm trong top 10 địa phương có điểm trung bình Ngữ văn cao nhất. Điểm số nhiều thí sinh đạt được nhất là 6,0.

Theo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến