Dòng sự kiện:
Rủi ro không chừa một ai!
15/11/2018 14:22:25
Rủi ro là những bất trắc, diễn ra bất ngờ, ngoài ý muốn của chủ thể, và rủi ro sẽ không chừa một ai, song nếu biết lường đón và có biện pháp phòng tránh chắc chắn sẽ giảm thiểu những tổn thất mà rủi ro mang lại.

Có một văn bản đang thu hút nhiều sự quan tâm và được giới chuyên môn đồng tình ủng hộ ngay từ những ngày đầu được công bố để lấy ý kiến đóng góp, đó là Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Ảnh minh họa

Sở dĩ như vậy là bởi hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng luôn tiềm ẩn rủi ro và không một định chế nào có thể khẳng định mình sẽ “miễn nhiễm” với rủi ro, hay nói cách khác rủi ro sẽ không chừa một ai và nếu không thận trọng, rủi ro sẽ ập tới bất cứ lúc nào.

Ngay cả với VDB cũng vậy, mặc dù là ngân hàng chính sách thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, song trong hoạt động của VDB vẫn tiềm ẩn những rủi ro tương tự như các ngân hàng thương mại khác. Đơn cử như rủi ro nợ xấu, cũng giống như các ngân hàng thương mại khác, trong quá trình hoạt động của mình VDB cũng thường xuyên phải đối mặt với rủi ro này.

Thấu hiểu điều đó nên tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của nhà nước, Chính phủ đã yêu cầu VDB phải thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định của NHNN và phải thực hiện trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý các rủi ro do khách hàng không trả được nợ. Cụ thể, đối với dự phòng chung, mức trích lập bằng 0,75% tổng dư nợ; Đối với dự phòng rủi ro cụ thể, mức trích lập do VDB quyết định, tối đa không quá mức trích lập đối với từng nhóm nợ theo quy định NHNN Việt Nam áp dụng đối với các ngân hàng thương mại trên cơ sở kết quả phân loại nợ, tình hình thu - chi tài chính.

Tuy nhiên đó mới là giải pháp để xử lý nợ xấu, trong khi điều quan trọng hơn cả là phải ngăn ngừa nợ xấu. Ai cũng hiểu rủi ro nợ xấu là rất khó phòng tránh, bởi nó không chỉ nằm ngoài tầm kiểm soát của các tổ chức tín dụng mà thậm chí còn nằm ngoài tầm kiểm soát của khách hàng vay nợ. Mặc dù khách hàng vay vốn có năng lực tài chính tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả, lịch sử tín dụng tốt… song cũng không thể loại trừ được toàn bộ các rủi ro từ bên ngoài như biến động thị trường, hay thiên tai. Có nghĩa, rủi ro nợ xấu luôn tiềm ẩn trong hoạt động tín dụng và cách phòng tránh hiệu quả nhất là phải phân tán rủi ro, tức không nên tập trung tín dụng quá lớn vào một khách hàng.

Bên cạnh đó, do đặc thù hoạt động của VDB là thời hạn cho vay các dự án dài (bình quân là 10 năm), trong khi đó nguồn vốn dùng để cho vay chủ yếu là nguồn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với thời hạn huy động bình quân là 5 năm, dẫn đến rủi ro thanh khoản cho VDB trong trường hợp thị trường khó khăn, VDB không huy động kịp thời để trả nợ huy động các khoản đến hạn.

Bởi vậy, về lâu dài, việc nghiên cứu quy định, áp dụng các chỉ tiêu an toàn vốn, an toàn trong hoạt động đối với VDB là cần thiết nhằm đảm bảo cho VDB hoạt động an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, xét đặc thù hoạt động, cộng thêm mức độ khẩn cấp của các rủi ro nên trước mắt, Dự thảo Thông tư mới tập trung vào giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ dự trữ thanh khoản; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động; trong khi chưa quy định và áp dụng các chỉ tiêu: Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày; Tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn; Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu như đối với các ngân hàng thương mại khác.

Đơn cử Dự thảo Thông tư đề xuất VDB cũng phải tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng như các ngân hàng thương mại khác để phân tán rủi ro nợ xấu. Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của VDB (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của VDB không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đúng như các nhà kinh tế học đã nói, rủi ro là những bất trắc, diễn ra bất ngờ, ngoài ý muốn của chủ thể, và rủi ro sẽ không chừa một ai, song nếu biết lường đón và có biện pháp phòng tránh chắc chắn sẽ giảm thiểu những tổn thất mà rủi ro mang lại.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến