Dòng sự kiện:
'Sách giáo khoa chỉ dùng được một lần là đại lãng phí'
28/08/2018 20:10:56
Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT về việc sách giáo khoa chỉ có thể sử dụng một lần, trong những năm gần đây.

Sách giáo khoa (SGK) là loại sách cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh. Tùy từng môn học, SGK được biên soạn, thiết kế và trình bày dưới những hình thức khác nhau sao cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều loại SGK lại có thêm phần câu hỏi và bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm rồi yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền đáp án vào đó.

Như vậy, học sinh chỉ học sách đó 1 lần rồi bỏ đi. Điều này khiến cho việc huy động tiết kiệm SGK ở lớp học trước cho lớp học sau không thể thực hiện được.

Việc không dùng được SGK cũ là một trong những nguyên nhân thiếu SGK trầm trọng tại Hà Nội thời gian gần đây.

Trao đổi với PV, chị Chu Thị Mai, trú quận Đống Đa (Hà Nội) bày tỏ sự nuối tiếc: “Sách giáo khoa chỉ sử dụng 1 lần, không sử dụng được cho năm sau là rất lãng phí. Việc in SGK có thêm phần câu hỏi yêu cầu học sinh làm bài tập dưới dạng viết hoặc trả lời theo hình thức trắc nghiệm luôn vào đó là hoàn toàn không hề tiết kiệm. Điều này khiến học sinh năm sau không thể học sách của học sinh năm trước, em không thể học được sách của anh, chị".

"Bản thân gia đình không cho cháu dùng lại sách cũ. Mỗi năm đều mua mới, sách cũ cô chị học đều quyên góp từ thiện. Hai năm nay, nhìn đống sách mới tinh xếp xó nhưng không cho ai được mà thấy tiếc quá. Theo tôi nhà trường có thể cho các cháu làm bài tập vào vở thay vì điền vào sách sẽ tiết kiệm rất nhiều, những cuốn sách mới tinh đem bỏ nhìn rất xót xa”, chị Mai chia sẻ.

Bày tỏ về vấn đề này, chị Hương, trú quận Cầu Giấy (Hà Nội) bức xúc: “Chủ trương cho đăng ký mua sách tại nhà trường sau mỗi năm học là rất tốt, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho phụ huynh không phải đi tìm mua sách. Nhưng SGK lại chỉ dùng được một lần, theo tôi còn lãng phí gấp bội. Nhà có hai cháu, cháu bé không dùng lại sách của chị, trong khi những cuốn sách đó được giữ gần như mới”.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định, đây là sự đại lãng phí, ông nhấn mạnh: “Hiện nay mỗi lớp có mười mấy môn học đi kèm với đó là SGK, sách bài tập, sách nâng cao... mỗi năm Nhà xuất bản bán ra lượng sách khổng lồ, nên việc in chung câu hỏi chứa phần giải đáp án trong SGK cho học sinh làm là đại lãng phí.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định SGK chỉ dùng được 1 lần là đại lãng phí.

Trước kia một cuốn sách mà anh chị dùng biết giữ gìn sẽ dùng được cho 5 - 7 năm thế hệ lớp dưới dùng được. Mỗi cuốn sách giờ đây in xong chỉ dùng một lần rồi bỏ làm phế liệu. Trong khi còn rất nhiều học sinh vùng khó khăn còn đang thiếu sách, hàng năm vẫn cần từ thiện cung cấp SGK”.

"Thực tế có nhiều cách để hạn chế sự lãng phí này, bộ GD&ĐT có thể cho in thêm một cuốn sách bài tập riêng. Ví dụ trong SGK có 100 trang thì bài tập chỉ có 20 trang, hàng năm nếu có thay bài tập khác cũng giảm lãng phí đáng kể. Hoặc vẫn in câu hỏi trong SGK nhưng bài tập nên cho học sinh làm ra vở, như vậy cũng tiết kiệm rất nhiều", ông Nhĩ kiến nghị.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến