Dòng sự kiện:
Sân kho hợp tác xã
24/05/2017 18:15:53
Thời trước đổi mới, mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp thường chỉ diễn ra ở hai nơi chính, đó là trên cánh đồng và ở sân kho. Thóc lúa được gặt xong, chuyển hết về sân kho để tuốt và phơi, chứ không mang về nhà riêng như bây giờ. Sân kho trở thành nơi tập kết và trung chuyển nông sản để đưa đi nơi khác. Địa điểm này cũng chính là nơi sinh hoạt, vui chơi của mọi người, trong đó có tụi trẻ con chúng tôi.

Gọi là sân kho vì nó luôn được xây cùng với những cái kho lớn, để chứa thóc lúa và các loại vật tư nông nghiệp. Sân kho có hình chữ nhật, rộng khoảng hai héc-ta, được đặt nằm cạnh con đường trục chính của làng và gần sông để thuận tiện cho việc vận chuyển thóc lúa, phân bón. Mặt sân kho được lát bằng loại gạch nung già nên không bị bào mòn hay tróc lở. 

Cứ một đoạn ngắn, mặt sân lại được xây nổi lên theo hình mai rùa, diện tích bằng ba cái chiếu, để đánh đống lúa hay rơm rạ phòng khi có mưa to, chân đống vẫn không bị ướt. Chạy ngang giữa sân là hàng cột điện để cung cấp điện dùng cho việc chạy máy tuốt lúa và thắp sáng. Xung quanh sân là bốn dãy nhà kho cao ngất và rất rộng, được lợp ngói và có hệ thống chống dột, chống ẩm.

Trong đó, có hai cái kho chuyên dùng để đựng thóc sau thu hoạch chờ ngày chuyển đi; một cái chuyên để chứa phân bón từ nơi khác chuyển về, đợi ngày được đem ra đồng; một cái kho còn lại thì ngổn ngang các trang bị, vật tư phục vụ trong nông nghiệp như: quần áo bảo hộ lao động, bình phun thuốc trừ sâu, xe cải tiến…

Ngày mùa, hoạt động sản xuất được chuyên môn hoá nên mặc dù khối lượng công việc rất nhiều nhưng không bị chồng chéo mà luôn tạo nên không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp và hiệu quả cao. Lúa gặt xong đến đâu là được chuyển ngay về sân kho bằng thuyền và xe trâu. Chẳng mấy chốc, lúa đã được chất thành từng đống to nằm rải rác trên sân đợi máy tuốt.

Những cái máy tuốt chạy bằng điện, nhịp nhàng ăn từng ôm lúa, để rồi chỉ một thoáng sau thóc đã ra đường thóc, rơm ra đường rơm. Rơm được vun lên thành từng đống lớn ưu tiên nhường chỗ cho thóc phơi trước. Trong con mắt ngây thơ của chúng tôi thì cái sân kho lúc này bỗng trở thành một khung cảnh kỳ vĩ: những đống rơm cao ngất, nối tiếp nhau trông như dãy núi và sân thóc trải rộng mênh mông tựa biển vàng…

Tối đến, tụi trẻ con trong làng rủ nhau kéo ra sân kho để nô nghịch, nhào lộn trên tấm thảm rơm trải dày êm như đệm. Sau đó, chúng tôi bày trò chơi trốn tìm, đánh trận giả… Những đứa trẻ chân đất, quần cộc toả đi khắp sân, len lỏi chui vào trong những đống rơm để tìm chỗ ẩn nấp. Chúng tôi lấy rơm quấn quanh người như kén bọc tằm, để hơi lúa thơm nồng nàn phả lên mặt, xông vào quần áo. Rơm êm và thơm quá khiến nhiều đứa cứ nằm trong đống rơm mà ngủ quên đi lúc nào không biết…

Khi thóc đã vào kho còn rơm đã khô nỏ và lên đống thì cũng là lúc các đoàn văn công và các đội chiếu bóng thay nhau về làng để phục vụ bà con sau những ngày mùa vất vả. Cái sân kho lại trở thành địa chỉ văn hoá của tất thảy trẻ già, trai gái trong làng.

Rồi cơ chế khoán 10 đã thổi vào các làng quê một luồng sinh khí mới. Lối làm ăn tập thể được thay bằng phương cách sản xuất năng động và hiệu quả hơn. Trong niềm vui vì những thành quả kinh tế hôm nay, nhiều người vẫn chưa quên những hình ảnh gần gũi đã in sâu vào tâm hồn mình, trong đó có cái sân kho…

Theo TBNH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến