Dòng sự kiện:
Sẽ sửa quy định về hụi, họ…
12/05/2017 11:36:45
Sau hàng loạt vụ vỡ hụi lớn xảy ra trên cả nước, Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144 (2006) về họ, hụi, biêu, phường…

Vì sao?

Theo Bộ Tư pháp, Nghị định số 144 được ban hành ngày 27-11-2006 điều chỉnh về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) với nhiều quy định ghi nhận tập quán tốt đẹp, tương thân tương ái trong đời sống nhân dân; góp phần hạn chế cho vay nặng lãi; đáp ứng yêu cầu về cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ liên quan - tạo hành lang pháp lý an toàn hơn cho người dân trong các giao dịch về họ…

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp thậm chí có sự biến tướng và bản thân các quy định của nghị định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Thực tế đã xảy ra không ít vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức. Theo Viện Kiểm sát tối cao, kể từ khi Nghị định 144 có hiệu lực thi hành đến nay, ngành kiểm sát đã kiểm sát giải quyết 33.809 vụ việc dân sự liên quan đến hoạt động họ. Còn theo Bộ Công an (tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 144), từ năm 2006 đến nay, cả nước xảy ra hàng tram vụ vỡ họ lớn với thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Qua các vụ vỡ họ, các cơ quan chức năng nhận thấy Nghị định 144 còn có những hạn chế, bất cập trong các quy định về người tham gia họ; hình thức thỏa thuận họ; sổ họ; cơ chế kiểm soát họ; lãi suất họ… dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong công tác thi hành pháp luật. Ví dụ như vấn đề xác minh họ tên, lai lịch của những người tham gia họ trong các dây họ lớn; xác định chứng cứ; xác minh đường lối giải quyết hành vi là khởi tố hình sự hay giải quyết tranh chấp dân sự…

Mặt khác, Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) với nhiều quy định mới liên quan đến địa vị pháp lý của chủ thể; về việc xác lập, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; về các giao dịch dân sự; về đại diện; về nghĩa vụ và hợp đồng; về lãi suất trong hợp đồng vay… trong đó chế định hợp đồng vay tài sản đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. Đặc biệt Bộ luật Dân sự 2015 có quy định rõ việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi phải tuân theo quy định của luật này.

Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 144, theo Bộ Tư pháp là cần thiết. Trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn xã hội cũng như yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực thi Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo hướng nào?

Điểm cần sửa đổi đầu tiên, theo Bộ Tư pháp là về áp dụng pháp luật trong quan hệ họ. Điều 2.1 Nghị định 144 quy định: “Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ” cần được sửa lại theo hướng: “Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan”; và bổ sung các quy định để giải quyết theo hướng: “Các quan hệ nếu không đáp ứng đủ các dấu hiệu, điều kiện của giao dịch họ, hụi, biêu, phường thì áp dụng các quy định chung, quy định về hợp đồng vay tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015”.

Về mục đích của họ thì nghị định mới phải xác định là “tương trợ trong nhân dân”, bởi điều này thể hiện tính nhân văn, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam.

Đối với các chủ thể tham gia họ, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, Bộ Tư pháp cho rằng nghị định mới phải bổ sung các quy định về cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau giữa những người tham gia họ, góp phần định hướng hành vi của người tham gia họ; sửa đổi bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên để tăng cường ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ quyền dân sự. Bộ này cho biết sẽ nghiên cứu, bổ sung các quy định về điều kiện chặt chẽ hơn đối với chủ họ, nhất là chủ họ có lãi.

Theo đó, nghị định mới sẽ bổ sung một số quy định về nội dung của sổ họ và quy định thêm về giấy biên nhận, nhằm đảm bảo thiết lập cơ sở chứng cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh; bổ sung một số nội dung mà thỏa thuận họ có thể có như về việc gia nhập họ của thành viên mới, cam kết về trách nhiệm của chủ họ…

Đặc biệt, về lãi suất, Bộ Tư pháp cho biết sẽ bổ sung các quy định để tính toán lãi suất trong các trường hợp cụ thể trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phải tuân thủ quy định tại Điều 466, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, vấn đề lãi suất bao gồm lãi suất trong trường hợp họ có lãi và xác định được mức lãi, họ có lãi nhưng không thỏa thuận rõ lãi suất, lãi suất trong trường hợp chậm trả…

Theo Bộ Tư pháp, nghị định mới cần có quy định rõ ràng về mức lãi suất và cách tính lãi suất, không quy định theo cách dẫn chiếu chung chung đến Bộ luật Dân sự như quy định như tại Điều 10 Nghị định 144.

Theo Thegioisaigontimes

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến