Dòng sự kiện:
Dự án TMS Grand City Phúc Yên bán ‘lúa non’
03/04/2018 14:30:01
Dự án TMS Grand City Phúc Yên do Công ty Cổ phần TMS Bất động sản (TMS Land - Thành viên Tập đoàn TMS) chưa đủ điều kiện để mở bán nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên lách luật huy động vốn, đẩy khách hàng mua rủi ro.

Dự án TMS Grand City Phúc Yên có quy mô 18,5 ha tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

Cuối tuần trước, dự án TMS Grand City Phúc Yên đã chính thức được tung ra thị trường và được nhiều nhà đầu tư đặt chỗ mua. Mới mở bán được khoảng 10 ngày, nhưng theo các môi giới, nhiều lô liền kề đã có mức chênh từ 100-200 triệu đồng/lô. Hiện tại, số hàng phân phối giai đoạn 1 đã bán gần hết. Chủ đầu tư chuẩn bị mở bán giai đoạn 2 với mức giá tăng hơn đợt 1.

Dự án TMS Phúc Yên chưa đủ pháp lý xong chủ đầu tư tìm mọi cách để huy động vốn của người mua nhà.

Tuy nhiên, xem thực địa dự án tại thời điểm này, công trường gần như không có công nhân. Một phần dự án mới đang được đổ đất, san lấp mặt bằng. Toàn bộ dự án chưa có hạ tầng đường xá, điện nước... Thậm chí, một số khu vực còn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Theo hồ sơ pháp lý được các nhân viên môi giới cung cấp, khách hàng  mua dự án sẽ ký hợp đồng góp vốn. Tiến độ góp chia thành 5 đợt, đợt đầu đóng 25%, 2 tháng sau đóng tiếp đợt 2 là 10%.

"Hợp đồng góp vốn này thì sẽ không trả khách hàng bằng lãi suất. Mà sau khi ký xong hợp đồng góp vốn sẽ có thêm 1 hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, trong đó có điều khoản là góp vốn để được hưởng quyền mua căn hộ.

Điều này cho thấy, dự án TMS Phúc Yên đã được chủ đầu tư bán khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Khách hàng khi tham gia góp vốn vào dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa hoàn thiện hạ tầng hết sức rủi ro.

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014 có quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh như sau:

“Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.

Như vậy, dự án hoàn thành cơ sở hạ tầng mới được phép mở bán. Ngoài ra, trong hợp đồng hợp tác đầu tư, chủ đầu tư được nhận vốn góp của khách hàng và trả bằng lãi suất, không được trả bằng căn hộ.

Theo điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở quy định: “Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở …”.

"Như vậy, Luật nhà ở năm 2014 không cho phép chủ đầu tư ký hợp đồng đặt cọc với cá nhân, tổ chức nhằm huy động vốn xây dựng dự án nhằm mục đích được ưu tiên đăng ký hoặc hưởng quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai. Vì vậy, việc ký hợp đồng đặt cọc để giữ chỗ ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là trái với quy định của pháp luật", Luật sư Hà cho biết.

Điều đáng nói, khi có tranh chấp, đây sẽ là giao dịch dân sự vô hiệu vì có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật.

Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên hoàn trả những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Vì vậy, một hợp đồng góp vốn hay hợp tác kinh doanh có nội dung và mục đích là một hợp đồng mua bán bất động sản có thu tiền ứng trước nhưng lại chưa có cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở quy định sẽ đương nhiên bị xem là vô hiệu.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải hoàn trả lại khoản tiền ứng trước của khách hàng hay bên góp vốn và phải bồi thường thiệt hại nếu là bên có lỗi. Mặc dù khó có thể đo lường chính xác thiệt hại của các bên, nhưng có thể dễ dàng nhìn thấy tiến độ thực hiện dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Vnmedia

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến