Dòng sự kiện:
Siết chặt quản lý thanh toán qua internet
21/03/2018 12:46:42
Chính phủ vừa chỉ đạo kiểm soát chặt các hình thức thanh toán trên internet. NHNN cũng đang dự thảo thông tư riêng về giám sát các hệ thống thanh toán.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mới đây đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet, đặc biệt là các hoạt động thanh toán liên quan tới hành vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động thanh toán trực tuyến. Bởi hiện nay, theo phân tích của các chuyên gia luật, pháp lý đối với hoạt động thanh toán thông qua card điện thoại, thẻ game… được cho là đang có nhiều kẽ hở.

Game lậu hoạt động trái nhiều luật

Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện nay có khoảng 400 game online (cả trên máy tính và trên điện thoại di động) đã được phát hành tại thị trường Việt Nam. Cơ quan Thanh tra của bộ này cho biết, thực tế doanh thu của các DN có game được cấp phép phát hành chỉ bằng 70% so với doanh thu thực tế của toàn ngành. Như vậy, 30% doanh thu đang rơi vào DN cung cấp game lậu.

Điều đáng nói là với sự phổ biến của game lậu như kể trên, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán đối với các trò chơi online ngày càng phổ biến. Cụ thể, theo phân tích của Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện nay các nhà mạng cho phép sử dụng thẻ cào điện thoại để thanh toán cho các sản phẩm, dịch vụ, biến thẻ cào điện thoại trở thành phương tiện thanh toán giống như tiền mặt. Hoạt động này là trái với quy định tại Điều 10, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.

Ngoài ra, việc các DN trung gian thanh toán qua ví điện tử cho phép khách hàng sử dụng thẻ cào điện thoại để nạp tiền vào ví điện tử là không đúng quy định nếu chiếu theo Điều 9, Điều 13 của Thông tư số 39/2014 của NHNN về  hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, việc các DN thanh toán trực tuyến không nắm được nội dung thanh toán cho dịch vụ gì, dẫn tới tình trạng không thực hiện nghĩa vụ từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với DN cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cũng vi phạm các quy định của Điều 9, Thông tư số 24/2014 của Bộ Thông tin - Truyền thông  về  quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng internet.

Theo một lãnh đạo của VNG, việc quản lý các trung gian thanh toán đang rất cần thiết và phải tiến hành nhanh chóng bởi hiện nay, ngoài những thiệt hại về thuế và những rủi ro phạm pháp thông qua thanh toán từ các cổng thanh toán trung gian nội địa thì ngành game cũng đang có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các cổng thanh toán điện tử quốc tế. Một khi các phương thức thanh toán quốc tế được áp dụng phổ biến thì sẽ càng khó quản lý hơn.

Sớm có thông tư riêng về thanh toán

Từ phía Bộ Thông tin - Truyền thông, trong một hội nghị giao ban của cơ quan này vào tháng 11/2017, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thừa nhận rằng việc quản lý thanh toán bằng thẻ cào di động đang là “lỗ hổng pháp lý lớn”.

Ông Lâm cũng cho rằng các nhà mạng viễn thông đang không thể kiểm soát được mục đích thanh toán của thẻ cào. Do vậy cần có một văn bản do Thủ tướng ban hành. Trong đó quy định những thanh toán cho dịch vụ nội dung số không hợp pháp thì các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm ngăn chặn.

Ở góc độ ngân hàng, hiện nay NHNN đã dự thảo một Thông tư riêng quy định về giám sát các hệ thống thanh toán. Dự thảo của Thông tư mới kỳ vọng sẽ đưa ra những quy định giám sát cụ thể đối với từng hệ thống thanh toán hiện nay, bởi nó sẽ phân biệt rõ, tránh chồng chéo giữa hoạt động giám sát hệ thống ngân hàng và giám sát hệ thống thanh toán.

Luật sư Đỗ Xuân Hiệu, Công ty Luật TNHH SLF cho biết, hiện nay ở lĩnh vực ngân hàng có 4 hệ thống thanh toán quan trọng là: hệ thống thanh toán liên ngân hàng (do NHNN vận hành); hệ thống thanh toán ngoại tệ (do Vietcombank vận hành); hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán (do BIDV vận hành) và hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính (do CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam - NAPAS vận hành).

Việc quy định rõ các điều khoản giám sát đối với từng hệ thống thanh toán, nhất là đối với hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính sẽ là cơ sở quan trọng để truy suất, giám sát các đầu mối trung gian thanh toán và phát hiện các giao dịch thanh toán bất thường.

Ông Hiệu cho rằng, nếu Thông tư mới được ban hành sớm, kết hợp với việc giám sát chặt chẽ các đơn vị trung gian thanh toán như: loại bỏ hình thức thanh toán thẻ (cào); phạt nặng đối với các vi phạm; đặt ra các yêu cầu chặt chẽ về ký quỹ đối với nhà cung cấp dịch vụ  nội dung và nhà cung cấp dịch vụ  thanh toán thì sẽ hạn chế đáng kể được các sai phạm trong thanh toán trực tuyến.

Trong khi đó, theo tìm hiểu, NAPAS  hiện đã và đang nghiên cứu phát triển hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH). Hệ thống này được giới thiệu là có thể tăng cường khả năng xử lý các giao dịch bán lẻ theo lô, thời gian thực, hỗ trợ đa kênh, đa phương tiện, đa tiền tệ, thời gian 24/7, đặc biệt là sẽ sử dụng tin điện theo chuẩn mực quốc tế. Nếu việc áp dụng hệ thống ACH sớm được triển khai thì hạ tầng thanh toán sẽ được hoàn thiện từ đó kiểm soát tốt hơn các rủi ro và cảnh báo được các dấu hiệu bất thường trong thanh toán của các DN và cá nhân cũng như các đơn vị đại lý trung gian.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến