Dòng sự kiện:
Siết thu hồi vốn tạm ứng ngân sách
19/03/2018 18:04:25
Sắp tới Bộ Tài chính sẽ sửa đổi một số quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng vốn ngân sách. Các nội dung sửa đổi sẽ hướng đến chặt chẽ hơn trong việc chọn lựa các dự án.

Thông tin từ Bộ Tài chính, sắp tới đây Bộ này sẽ sửa đổi quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng vốn ngân sách. Theo đó, chỉ tạm ứng vốn khi bên giao thầu đã nhận được bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của TCTD với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng.

Cấp bách kiểm soát chi

Tính đến tháng 2/2018 lũy kế số giải ngân vốn ngân sách của Kho bạc Nhà nước đạt khoảng trên 8.400 tỷ đồng, trong đó, trên 8.200 tỷ là giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách, các đơn vị của Kho bạc đã phát hiện ước khoảng 890 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 0,9 tỷ đồng.

Dự án Metro số 1 tại TP.HCM vừa phải tạm ứng ngân sách trên 1.100 tỷ đồng để trả nợ nhà thầu.

Vụ Kiểm soát chi - thuộc Kho bạc Nhà nước cho rằng, hiện nay việc thu hồi các nguồn vốn đã tạm ứng để xây dựng các công trình hạ tầng gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư có hạn trong khi nhiều công trình thi công bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian trả nợ. Theo vụ này, trước khi ban hành Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư rất dàn trải. Giai đoạn 2011 - 2015 cả nước có tổng cộng 29.000 dự án đầu tư công. Mặc dù, giai đoạn 2016 - 2020 mới đi qua hơn hai năm nhưng số dự án cũng đã vào khoảng 11.000 dự án (giảm đáng kể so với bình quân giai đoạn). Với số lượng dự án như vậy, nguồn vốn tạm ứng cho nhà thầu vẫn là con số rất lớn và đang có chiều hướng tăng mạnh.

Chẳng hạn, theo các thống kê của Kho bạc Nhà nước, tổng số dư tạm ứng từ năm 2003 trở về trước là 212,6 tỷ đồng, trong đó số dư tạm ứng vốn giải phóng mặt bằng là 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến cuối năm 2016 con số tạm ứng ngân sách đã đạt gần 54.900 tỷ đồng, trong đó hơn 13.100 tỷ đồng là tạm ứng để giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, trong các năm 2011-2015, do thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư công nên hàng loạt công trình “chưa thực sự cần thiết, cấp bách” đã bị đình hoãn, giãn tiến độ. Vì vậy việc thu hồi vốn tạm ứng đã khó, lại càng khó khăn khi giá trị thanh toán của công trình, dự án lớn chưa đạt 80% giá trị hợp đồng.

Khi chưa thể thu hồi vốn tạm ứng ở các dự án chậm tiến độ, một số đề xuất cho rằng nên phạt tiền đối với nhà thầu tương tự như việc phạt chậm nộp tiền thuế đối với DN. Tuy nhiên, đại diện Kho bạc cho rằng cách làm này không thể thực hiện được do các dự án sử dụng vốn ngân sách hay vốn trái phiếu Chính phủ là đầu tư theo hình thức cấp phát. Tiền tạm ứng theo đó được chuyển hóa thành nguyên vật liệu, trang thiết bị, trả tiền nhân công nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trụ sở hành chính, sự nghiệp công lập. Chính vì thế không thể đặt vấn đề phạt tiền như đối với các DN hoặc các dự án hợp tác theo mô hình đối tác công - tư.

Tăng trách nhiệm chủ đầu tư

Đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 06/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2017 quy định về tạm ứng ngân quỹ Nhà nước cho ngân sách Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 10/3.

Thông tư mới quy định, UBND cấp tỉnh, thành được tạm ứng ngân quỹ Nhà nước nhưng phải cam kết sử dụng đúng mục đích và phải hoàn trả chậm nhất vào ngày 31/12 của năm phát sinh đề nghị tạm ứng và các cam kết khác. Các tỉnh, thành sau khi tạm ứng ngân quỹ sẽ phải thanh toán khoản chi phí sử dụng cho Kho bạc định kỳ hàng tháng với mức áp dụng thống nhất là 0,21%/tháng. Nếu quá hạn sẽ phải thanh toán bằng 150% mức chi phí sử dụng.

Trong khi đó, theo ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi - Kho bạc Nhà nước, cho rằng, hiện nay nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính đã gửi công văn tới các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước yêu cầu thực hiện quyết liệt việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 40/2015). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư đối với công trình, dự án đã hoàn thành. Ngay cả công trình, dự án đã tạm ứng mà phải đình hoãn, giãn tiến độ, tạm dừng thi công cũng phải tiến hành quyết toán để xác định công nợ với Nhà nước.

Ông Hiệp cho biết, sắp tới Bộ Tài chính sẽ sửa đổi một số quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng vốn ngân sách. Các nội dung sửa đổi sẽ hướng đến chặt chẽ hơn trong việc chọn lựa các dự án. Theo đó, chỉ khi nào các TCTD cung cấp hợp đồng bảo lãnh cho nhà thầu với số bảo lãnh tương đương với số tiền tạm ứng thì ngân sách mới duyệt chi ứng trước để thực hiện dự án. Riêng đối với các hợp đồng thi công xây dựng, nếu có giải phóng mặt bằng thì ngân sách cũng chỉ tạm ứng khi chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra được kế hoạch giải phóng mặt bằng cụ thể và khả thi.

Ngoài ra, các quy định mới dự định sửa đổi cũng sẽ hướng đến tăng trách nhiệm thu hồi vốn tạm ứng của chủ đầu tư và Kho bạc Nhà nước. Theo đó, Kho bạc sẽ phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra vốn đã tạm ứng và thu hồi ngay những khoản vốn tạm ứng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Trước ngày 15 của tháng cuối quý, chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi vốn tạm ứng theo từng dự án gửi Kho bạc và cơ quan cấp trên, báo cáo nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện và thu hồi số vốn đã tạm ứng.

Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 30 ngày mà nhà thầu chưa thực hiện hoặc sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Kho bạc để thu hồi. Thậm chí nếu chủ đầu tư vẫn chậm tiến độ thu hồi vốn tạm ứng ngân sách thì Kho bạc có quyền đề nghị TCTD phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng theo nghĩa vụ bảo lãnh.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến