Dòng sự kiện:
Sửa Luật Chứng khoán: Cơ hội vàng gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư
15/04/2019 11:00:41
Việc hoàn chỉnh khung khổ pháp lí cho TTCK trong thời điểm này là hết sức phù hợp, kịp thời và là 'cơ hội vàng' để tháo gỡ các vướng mắc của nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Tại Phiên họp lần thứ 33 khai mạc ngày 10/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tiên về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). 

Quy mô thị trường chứng khoán tính đến ngày 18/3 đạt trên 81% GDP, tăng 14% so với cuối năm 2018. Ảnh ST.

Đồng bộ với các Luật liên quan

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quy mô thị trường chứng khoán tính đến ngày 18/3 đạt trên 81% GDP, tăng 14% so với cuối năm 2018. Đây là mức tăng trưởng khá tốt, vượt mục tiêu 80% GDP mà Chính phủ đã đề ra. Trong bối cảnh này, theo ông Dominic Scriven, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital, việc Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) là cơ hội vàng để cùng lúc đạt 3 mục tiêu: Xử lý bất cập giữa Luật Chứng khoán và các luật khác; xử lý sự phân biệt với các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... khi Việt Nam mới chỉ được coi là thị trường cận biên và xử lý một số vấn đề về rủi ro và hiệu quả trong giao dịch chứng khoán.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư kí Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán nhận định, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định nhằm tiếp cận gần hơn với các thông lệ quốc tế như IPO gắn liền niêm yết, tỷ lệ free float (tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường) trong chào bán công khai, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong phát hành riêng lẻ...

“Đây là những quy định hết sức quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam quen thuộc hơn với các nhà đầu tư nước ngoài và tạo tiền đề thuận tiện hơn trong việc phát triển các sản phẩm mới đã phát triển trên các thị trường chứng khoán trên thế giới”, ông Nguyễn Thanh Kỳ nói.

Đáng chú ý, theo Tổng thư kí Hiệp hội kinh doanh chứng khoán, dự thảo Luật đã có những quy định đồng bộ hơn với các luật liên quan đã được sửa đổi năm 2014, 2015 như Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư. Trong đó, các quy định mới của Luật doanh nghiệp về người đại diện theo pháp luật, con dấu, sở hữu chéo... và các vấn đề về chủ thể pháp nhân thương mại; quyền khác đối với tài sản như quyền hưởng dụng, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, thừa kế... trong Bộ luật Dân sự cũng đã được nghiên cứu quy định phù hợp.

Đánh giá về dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, ông Trần Anh Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG nhận định, nội dung dự thảo đã có nhiều cải tiến đáng kể trong các nội dung quy định.

“Bản dự thảo đã đưa ra nhiều nội dung bổ sung, sửa đổi quan trọng và cần thiết như các quy định về chứng khoán phái sinh, sửa đổi các quy định về chào bán chứng khoán, mô hình hoạt động của sở giao dịch chứng khoán, yêu cầu niêm yết chứng khoán ngay sau khi IPO theo thông lệ quốc tế”, ông Quân nhận định.

Quy định mở cho Công ty chứng khoán và Công ty quản lý quỹ

Góp ý cụ thể cho dự thảo Luật, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, dự thảo cần làm rõ hơn một số khái niệm, từ ngữ như: Định nghĩa về nhà đầu tư chiến lược, chào bán, sở hữu gián tiếp; công ty liên doanh, công ty liên kết... SSI cũng cho rằng nên thu hẹp các đối tượng được xem là “người có liên quan”, sẽ không bao gồm con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu.

Đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng và riêng lẻ, theo SSI nên làm rõ một số quy định về điều kiện chào bán và trường hợp không phải đăng ký chào bán chứng khoán, bổ sung các tài liệu trong hồ sơ chào bán để phù hợp với điều kiện chào bán, bãi bỏ một số điều kiện liên quan đến chào bán của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Về quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, SSI cho rằng nên sửa đổi một số nội dung để phù hợp hơn, và đề nghị loại trừ trường hợp công ty đã niêm yết phải thực hiện thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện như đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Đối với hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, SSI cho rằng nên có quy định mở tạo điều kiện cho công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ có sự tự chủ nhất định trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, phân biệt nghiệp vụ kinh doanh được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép và dịch vụ được cung cấp. Đồng thời, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ cần ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho người hành nghề chứng khoán và công ty chứng khoán và có cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện; bổ sung quy định về trách nhiệm của công ty chứng khoán trong thủ tục phong tỏa, giải tỏa chứng khoán cầm cố và xử lý tài sản cầm cố theo thỏa thuận của chủ tài khoản với ngân hàng hoặc bên thứ ba.

Đáng chú ý, theo nhận định của Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), thị trường phái sinh đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư. Theo VFM, chứng khoán và phái sinh là 2 tài sản tài chính có liên quan đến nhau, các chủ thể tham gia vào 2 thị trường giao dịch này gần như giống nhau. Các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) đã ban hành Luật Chứng Khoán và Hợp đồng tương lai để quản lý các hoạt động của thị trường chứng khoán và phái sinh. Tại Việt Nam, Ủy ban Chứng Khoán nhà nước vẫn là cơ quan chính giám sát thị trường phái sinh. Do đó, VFM kiến nghị sửa tên “Luật Chứng khoán” thành “Luật Chứng khoán và Phái sinh”, và bổ sung thêm các quy định liên quan đến phái sinh.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến