Dòng sự kiện:
Tại sao phải hoàn lại chi phí tài trợ du học nếu nghỉ việc?
20/02/2018 09:51:00
Tôi vừa nghỉ việc vì lý do cá nhân nhưng bị công ty yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền tài trợ du học đã chi trả trước đó. (Nguyễn Đình Dư)

Năm 2015, tôi được công ty tài trợ đi học ở Australia lấy chứng chỉ kế toán - kiểm toán.

Năm 2018, vì lý do cá nhân, tôi nghỉ việc và công ty yêu cầu tôi phải bồi thường toàn bộ chi phí thực tế phát sinh, đồng thời yêu cầu thanh toán theo tỷ giá tại thời điểm năm 2018. Tôi xin hỏi, phía công ty yêu cầu như vậy có đúng không?

Trả lời:

Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền…”.

Nếu việc chấm dứt hợp đồng lao động của bạn không thuộc một trong các trường hợp vừa trích dẫn ở trên thì sẽ thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Theo đó, bạn phải có nghĩa vụ bồi thường cho người sử dụng lao động theo quy định.

Điều 43 Bộ Luật lao động quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.

Tỷ giá thanh toán

Theo khoản 3 điều 62 Bộ Luật lao động: “Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài”.

Khoản 4 điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính cũng quy định: "Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014 ngày 22/12/2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:

- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.

- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ…”.

Căn cứ theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, việc công ty yêu cầu bạn hoàn trả chi phí đào tạo tính bằng VNĐ và theo tỷ giá tương ứng năm 2018 là phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật sư, thạc sĩ Phạm Quốc Bảo

Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội 

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến