Dòng sự kiện:
Tâm sự của những người phụ nữ ‘quên’ ngày mùng 8/3
07/03/2018 20:59:40
Ngày 8/3, người phụ nữ nào trên thế giới cũng đáng được tôn vinh, thế nhưng, trong cuộc sống vẫn còn nhiều người phụ nữ kém may mắn, chưa từng biết đến niềm vui của ngày Quốc tế phụ nữ trong đời.

Chuẩn bị đến ngày 8/3, khắp nơi đều rực rỡ đèn hoa, không khí rộn ràng để chào đón ngày Quốc tế phụ nữ. Người phụ nữ nào trên thế giới này cũng đáng được tôn vinh, cho dù họ giàu hay nghèo, già hay trẻ, dân tộc hay màu da khác nhau đi nữa… Thế nhưng, cuộc sống của chúng ta vẫn còn nhiều số phận kém may mắn, không phải người phụ nữ nào cũng đón nhận ngày mùng 8/3 bằng một niềm vui vẹn tròn.

Bà Nguyệt cả đời không biết đến ngày 8/3.

Đã bước sang tuổi 55, bà Nguyễn Thị Nguyệt ở xóm chài Thành Công, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa chưa từng biết đến ngày 8/3, bà cũng chẳng hiểu ngày này có ý nghĩa thế nào.

Sinh ra ở làng chài nghèo lênh đênh trên mặt nước, đến khi lấy chồng cũng gả cho một anh làm nghề chài lưới, gia tài duy nhất của 2 vợ chồng chỉ là con thuyền nhỏ cũ nát trên sông. 2 năm trước, chồng bà Nguyệt qua đời vì bệnh tật, để lại bà Nguyệt cùng đứa con trai 17 tuổi.

“Mỗi ngày tôi lên bờ đi rửa bát thuê để kiếm tiền, trừ ngày trời lạnh tôi ốm không đi được. Có khi tôi đi nhặt rác, ngày cũng kiếm được 30 – 40 ngàn đồng để 2 mẹ con sống qua ngày. Con trai tôi không biết chữ, cũng chưa có việc gì làm nên tôi vẫn nuôi, hai mẹ cũng ăn ít thôi”, bà Nguyệt tâm sự.

Khi được hỏi có biết sắp đến ngày 8/3 không, bà Nguyệt trả lời: “Không! Tôi chả biết ngày gì”.

Ở xóm chài có chừng 24 nóc thuyền thì có khoảng 20 người phụ nữ, đa phần không biết chữ vì từ nhỏ đều không đi học. Đã sinh ra ở xóm chài thì lớn lên cũng chỉ tìm người cùng xóm chài để gả chứ không biết lấy ai khác.

Lam lũ và ít học, cả đời chỉ quanh quẩn ở trên sông, họ không ý thức nhiều về những ngày lễ lạt, và với họ, ngày 8/3 cũng chẳng có gì đáng nói. 

Bà Thaọ cho biết, bà hiếm khi lên bờ, dù con sông ở ngay giữa lòng thành phố

Cách thuyền của bà Nguyệt không xa là chiếc thuyền con tạm bợ của bà Nguyễn Thị Thạo (60 tuổi).

Trên gương mặt vẫn còn hằn in nỗi buồn, bà Thạo cho biết, chồng bà mới mất được 100 ngày. Hai vợ chồng không con cái nên hiện giờ chỉ còn mình bà sống côi cút trên thuyền. Dù chiếc thuyền đã cũ nát, trời nắng thì nóng, mưa thì ướt nhẹp, thế nhưng cũng không có điều kiện để sửa sang.

Cũng như hầu hết phụ nữ ở làng chài khác, bà Thạo cũng chẳng biết một chữ bẻ đôi. “Hàng ngày, tôi đi mò cua, bắt ốc rồi nhờ người đem lên bờ bán. Tôi hiếm khi lên bờ vì sức khỏe tôi cũng không tốt”, bà Thạo nói.

“Tôi sống một thân một mình nên điều quan trọng nhất là có sức khỏe để đi làm kiếm ăn, nếu lỡ ốm đau, bệnh tật thì không ai chăm”, bà Thạo bày tỏ mong muốn.

Mong ước giản đơn của cô giáo vùng cao

Sinh ra và lớn lên tại bản người Mông ở Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), một địa bàn khó khăn bậc nhất của vùng cao xứ Thanh. Thao Thị Ly (SN 1995) và Thao Thị Sua (SN 1994) đã vượt qua lên mọi gian khó để theo học hết cấp 3 và rồi lấy được tấm bằng đại học chuyên ngành Sư phạm mầm non, điều mà ít ai làm được ở bản làng vùng cao này.

Sau khi lấy được tấm bằng, Ly và Sua trở về quê với ước mơ trở thành cô giáo của bản, được cầm tay dạy dỗ cho những đứa trẻ nghèo.

Cô Thao Thị Ly tập vẽ cho các học trò

2 cô gái đã phần nào được thỏa ước nguyện khi đã được làm cô giáo, ngày ngày tất bật với đám học trò trên dưới 30 em, tuy nhiên, cũng vẫn còn đó những nỗi buồn.

Cô giáo trẻ Thao Thị Ly cho hay, hiện 2 cô đang chỉ là giáo viên mầm non hợp đồng, chưa được hưởng biên chế của Nhà nước.

Cả điểm trường Mùa Xuân 2 chỉ có 2 người là cô Ly và cô Thao đứng lớp, bởi người địa phương nên các cô hiểu được ngôn ngữ và tâm lý của các em. Vừa cầm tay học sinh để tập tô vẽ, cô Ly vừa tâm sự:

“Mỗi tháng chúng em được nhà trường trả 1 triệu đồng công đứng lớp. Vì đường sá đi lại xa xôi, vất vả, nên một học kì em xuống trung tâm xã nhận số tiền này. Mỗi ngày chúng em đứng lớp một buổi sáng, còn buổi chiều thì tranh thủ lên nương rẫy đi làm để có cái ăn nuôi con”.

Dù thu nhập chẳng đáng là bao, cũng chẳng đủ để chi tiêu trong gia đình, thế nhưng bằng tình yêu với nghề giáo, các cô vẫn tin chỉ cần nỗ lực, tận tụy cống hiến thì một ngày không xa các cô cũng được công nhận và hưởng đầy đủ chế độ.

Áp lực về cuộc sống cơm áo cũng có khi khiến những cô giáo trẻ sờn lòng, nhưng rồi khi đứng lớp, nhìn những gương mặt thơ ngây, tiếng nói cười hồn nhiên của học trò lại tiếp thêm động lực cho các cô tiếp tục bám trường, bám lớp.

Không giống như các đồng nghiệp ở vùng khác, ngày lễ được nhận những lời chúc, những món quà, bó hoa, ở đây, dường như ngày 8/3 không được biết đến. Vì điểm trường xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, sóng điện thoại cũng không có nên cũng không mong nhận được những lời chúc tụng.

“Tan giờ học, chúng tôi về nhà, lại như những phụ nữ Mông bình thường khác, chăm sóc con, đi tỉa lúa, trồng ngô giúp đỡ gia đình. Còn ngày lễ 8/3 hay 20/11, chúng tôi cũng không để tâm nhiều, chỉ mong sao học trò ngoan ngoãn và học tốt là chúng tôi mừng”, cô Sua bày tỏ.

Lương Diễn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến