Dòng sự kiện:
Tăng cường vốn cuối năm
10/12/2017 06:52:19
Càng về cuối năm hoạt động huy động vốn của các ngân hàng càng gặp nhiều áp lực, trong khi tín dụng vẫn băng băng về đích theo kế hoạch, khiến các hệ số an toàn theo quy định bị ảnh hưởng.

Trước thách thức này, nhiều ngân hàng lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các định chế tài chính quốc tế.

Tìm kiếm nguồn vốn dài hạn

VietinBank đã phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong đợt 1 chào bán ra công chúng từ ngày 25-10 đến 13-11-2017. Đợt 2 diễn ra từ 22-11 đến 12-12-2017 với 2.200 tỉ đồng trái phiếu cũng ở kỳ hạn 10 năm với lãi suất thả nổi. Nếu thành công ngân hàng này sẽ thu về 4.200 tỉ đồng sau hai đợt phát hành, đưa lượng giấy tờ có giá mà ngân hàng này đã phát hành lên hơn 22.500 tỉ đồng.

VPBank hôm 22-11 cũng thông báo phát hành riêng lẻ 3.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn hai năm, với điều kiện không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền. Điều bất ngờ là lãi suất trái phiếu cố định chỉ ở mức 6,7% trong toàn bộ kỳ hạn, thấp hơn nhiều mức lãi suất huy động trên 12 tháng của các ngân hàng hiện nay, phổ biến 7-8%/năm.

Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, LienVietPostBank cũng có kế hoạch phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị lên đến 2.000 tỉ đồng, tuy nhiên đến cuối tháng 10 đã phải hoãn lại để ưu tiên đảm bảo tiến độ phát hành cổ phiếu trong năm nay. Có thể thấy ngoài chiến lược tăng vốn điều lệ thì phát hành trái phiếu đang được nhiều ngân hàng lựa chọn để tăng cường vốn trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn tài trợ thương mại từ các định chế tài chính nước ngoài. Như VPBank hôm 23-11 đã nhận khoản vay 100 triệu đô la Mỹ từ ngân hàng Deutsche Bank cho công ty con là FE Credit. VPBank gần đây cũng đã nhận được khoản vay 122 triệu đô la Mỹ từ IFC và 41 triệu đô la từ Credit Suisse, theo đó tổng vốn huy động từ hai nguồn trên là 6.600 tỉ đồng. Còn VIB cũng có được khoản vay 185 triệu đô la từ IFC.

Với xu hướng lãi suất đang chịu nhiều áp lực, theo đó một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 10 đến nay, khiến hoạt động huy động vốn càng trở nên cạnh tranh quyết liệt. Trong khi đó, khách hàng gửi tiền luôn có xu hướng rút tiền vào những tháng cuối năm để kinh doanh ngắn hạn hoặc chi cho tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa, thì việc xem xét phát hành trái phiếu hay tìm kiếm các khoản vay ngoại tệ từ nước ngoài trong thời điểm này dường như là chiến lược hợp lý.

Đáp ứng đa mục tiêu

Hiện nay, dư nợ tín dụng tiếp tục tăng mạnh càng kéo mức chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động rộng ra, nên các phiên phát hành trái phiếu thành công sẽ bổ sung nguồn vốn đáng kể cho các ngân hàng. Chẳng những vậy, kỳ hạn của trái phiếu thường dài nên cũng giúp các ngân hàng tăng vốn tự có, từ đó cải thiện hệ số CAR cũng như đảm bảo cho tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy hệ số CAR của toàn ngành đã tiếp tục suy giảm kể từ đầu năm đến nay khi vốn tự có tăng theo không kịp so với tốc độ tăng tổng tài sản, mà trong đó dư nợ tín dụng tăng mạnh. Đáng lưu ý là hệ số CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang tiến về cận kề mức quy định 9% nếu như thời gian tới không thể tăng thêm vốn, điều này đồng nghĩa với hoạt động cho vay sẽ bị chững lại.

Tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về 45% theo quy định kể từ đầu năm 2018. Mặc dù dữ liệu thống kê của NHNN cho thấy tỷ lệ này của toàn ngành đã giảm so với đầu năm nay nhờ các ngân hàng đã tích cực tăng cường huy động vốn trung, dài hạn trong thời gian qua, nhưng thực tế tỷ lệ này tại một số ngân hàng vẫn xấp xỉ ở mức 45-50%, nhất là những ngân hàng tập trung cho vay tiêu dùng cá nhân với kỳ hạn dài. Do đó nếu không sớm huy động nguồn vốn trung dài hạn thì từ năm 2018 sẽ có ngân hàng không đáp ứng quy định nói trên.

Ngoài ra, với những ngân hàng nhận được nguồn vốn vay ngoại tệ sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận, khi mà NHNN sẽ tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu đến hết năm 2018. Trong bối cảnh huy động vốn ngoại tệ khó khăn với lãi suất 0%, việc vay được vốn ngoại tệ với lãi suất ưu đãi vừa giúp các ngân hàng tăng cường nguồn vốn ngoại tệ có kỳ hạn dài để cho vay, vừa tiết giảm được chi phí huy động vốn.

Thậm chí với nguồn vốn vay ngoại tệ dồi dào, các ngân hàng cũng có thể cân nhắc chuyển đổi sang tiền đồng để cho vay, nhất là khi tỷ giá thời gian qua được kiểm soát ổn định. Như trường hợp của FE Credit, khoản tài trợ 100 triệu đô la Mỹ nhận được từ Deutsche Bank sẽ được chuyển thành tiền đồng để đáp ứng các khoản cho vay tiêu dùng trong nước với lãi suất hàng chục phần trăm/năm, cho thấy biên độ lợi nhuận của nguồn vốn trên là rất lớn.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến