Dòng sự kiện:
Tạo điều kiện cho ‘vốn mồi’ phát huy hiệu quả
16/05/2018 06:38:00
Được xem là một trong những loại hình kinh tế quan trọng của nền kinh tế với những đóng góp cho GDP hàng năm có sự tăng trưởng, và đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động.

Tuy nhiên, kinh tế hợp tác vẫn chưa có sự phát triển như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là do các hợp tác xã (HTX) chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Với đặc thù mô hình hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác hiện nay, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho loại hình quỹ hỗ trợ hợp tác xã để đảm bảo được nguồn vốn cho các HTX duy trì và phát triển hiệu quả.

HTX mong vốn để phát triển

Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 19.487 HTX đang hoạt động (tăng 10% so với năm 2016). Trong đó, có 2.226 HTX thành lập mới, tăng 46,5% so với năm 2016; giải thể 785 HTX do làm ăn không hiệu quả, ngừng hoạt động. 90% số HTX đã đăng ký hoạt động theo Luật HTX, 38% tổng số HTX làm ăn có hiệu quả (tăng 8% so với năm 2016), khu vực HTX có hơn 6,4 triệu thành viên. Kinh tế hợp tác, HTX phát triển cả số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng so với năm 2016; mang lại lợi ích cho thành viên. Phát triển kinh tế hợp tác, HTX đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, xu hướng ở các địa phương, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng của các HTX vẫn gặp nhiều điểm nghẽn. Theo ước tính từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, năm 2016, các tổ chức tín dụng chỉ cho vay được 70 tỷ đồng đối với các HTX, trong đó hầu hết là các HTX tiểu thủ công nghiệp hoặc dịch vụ, những HTX nông nghiệp tiếp cận vốn được rất ít. Nguyên nhân chính là do các HTX mô hình hoạt động thường nhỏ, thiếu tài sản thế chấp, năng lực quản trị kém và hơn cả là tâm lý “mặc cảm” với HTX của các tổ chức tín dụng.

Thực tế thời gian qua, nguồn vốn mà các HTX tiếp cận được chính là từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Cả nước hiện có 47 Quỹ Hỗ trợ phát triển, gồm một Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Trung ương trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và hơn 40 quỹ trực thuộc Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các Quỹ này cũng đang hoạt động không mấy hiệu quả do thiếu đồng bộ và thống nhất, nguồn vốn của Quỹ cũng không cao, chỉ từ 5-10 tỷ đồng/quỹ.

Tính đến cuối năm 2017, vốn điều lệ thực có (được ngân sách Nhà nước cấp và tự tích ũy) của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương là 136 tỷ đồng; doanh số cho vay là hơn 235 tỷ đồng, dư nợ 96 tỷ đồng. Đối với 43 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương, hiện có tổng vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng, tổng doanh số cho vay hơn 10.400 tỷ đồng, dư nợ 1.314 tỷ đồng.

Từ thực tế trên cho thấy, cần có sự liên kết chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong việc cho vay tới các HTX. Đặc biệt, mô hình Quỹ hỗ trợ HTX đòi cần những thay đổi về chính sách hợp lý, phù hợp hơn với thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Định hướng hoàn thiện Quỹ hỗ trợ HTX

Được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng và lấy ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, đơn vị liên quan về Dự thảo Nghị định thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Đóng góp vào dự thảo này, đại diện một số HTX cho rằng, mô hình hoạt động, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã sẽ phù hợp hơn nếu vận hành theo Quyết định 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 về tổ chức Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam, thay vì Điều 3, Khoản 2 của Dự thảo Nghị định quy định quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH...

Bên cạnh đó, cần bổ sung đối tượng được hỗ trợ là thành viên các hợp tác xã và thành viên các tổ hợp tác. Ngoài ra, việc quy định vốn điều lệ thực hiện tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp là điều khó khả thi bởi hiện nay các quỹ đều có quy mô vốn dưới con số này, ở mức rất thấp. Vốn điều lệ của các Quỹ nên căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương nên để từng địa phương cân đối cho phù hợp.

Nói kỹ hơn về vấn đề vốn điều lệ của các Quỹ, ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương cho rằng, nên để mức tối thiểu vốn điều lệ là 10 tỷ đồng/quỹ. Bên cạnh đó, ông Bằng còn cho rằng, cần xem xét việc quy định cho vay vốn đối với các HTX. Theo đó, các HTX cần cả vốn vay lưu động chứ không chỉ cần vốn đầu tư, trong khi dự thảo chỉ cho vay vốn đầu tư. Đồng thời, các HTX phi nông nghiệp không được vay vốn trong khi đối tượng nay chiếm tới gần 50% số lượng HTX hiện nay. Vì thế, nếu chỉ quan tâm đến HTX nông nghiệp là chưa đủ. Ngoài ra, dự thảo chỉ quy định địa bàn nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp được vay vốn là không phù hợp, cần bỏ quy định này.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cơ chế hỗ trợ vốn cho các HTX cần có quy định “mở” và rõ ràng hơn. Trong đó, nên bổ sung tới việc cho vay các thành viên của HTX bởi phát triển thành viên cũng là yếu tố quan trọng để phát triển HTX. Ông Cường cho rằng, nên đề xuất 4 đối tượng được vay từ Quỹ, gồm: HTX, Liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên. Bên cạnh đó, thủ tục cho vay nên xem xét đơn giản hóa, áp dụng cơ chế ưu đãi như mở rộng cho vay tín chấp, tập trung vào các HTX hoạt động có hiệu quả gắn với chuỗi giá trị . Đồng thời, cần có quy định thống nhất về quản trị rủi ro để tăng tính an toàn cho Quỹ.

Theo Báo Công thương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến