Dòng sự kiện:
Thận trọng hướng dẫn khối ngoại chào sàn
06/08/2019 13:02:21
Sự thiếu minh bạch thông tin và “vết xe đổ” thua lỗ của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm trước khiến các văn bản pháp lý hỗ trợ khối DN ngoại chào sàn phải tính toán cẩn trọng.

Phú Mỹ Hưng cũng đang muốn lên sàn

Lịch sử thí điểm và dấu hỏi minh bạch

Cách đây hơn 15 năm, với những quy định cởi mở của Nghị định 38/2003/NĐ-CP và Quyết định 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các công ty FDI như Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), Everpia (EVE), Mirae (KMR), Tung Kuang (TKU)… sau khi chuyển đổi sang hình thức DN cổ phần đã thực hiện niêm yết trên các sàn chứng khoán.

Việc hàng loạt DN FDI lớn thời điểm đó nhộn nhịp lên sàn đã tạo ra một không khí vô cùng sôi động trên thị trường vốn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục DN FDI đến từ các thị trường quốc tế đã gấp rút hoàn thiện các thủ tục niêm yết và chào bán cổ phiếu. Trong các năm 2004-2005, chỉ tính riêng số vốn các DN FDI niêm yết trên sàn chứng khoán đã đạt con số 70 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng lượng hàng hóa được giao dịch trên các sàn.

Nhưng sự tích cực ở thị trường vốn thời điểm đó đã không kéo dài. Sau giai đoạn đầu “đẹp như mơ” trên các sàn giao dịch thì các mã cổ phiếu FDI như: FPC, CYC, TCR, RIC… đã nhanh chóng bộc lộ hình ảnh thua lỗ, giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, thậm chí một số DN đã bị hủy niêm yết vì nghi vấn liên quan đến các hoạt động chuyển giá, tận dụng các ưu đãi về thuế để kéo dài lỗ lũy kế.

Những năm tiếp theo, số lượng các DN FDI niêm yết trên sàn chứng khoán chững lại. Một mặt do quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các DN FDI chuyển đổi như các công ty đại chúng nói chung là 49% (theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg) khiến cho nhiều DN không được phát hành quyền mua cổ phiếu theo tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài, vì sau khi chuyển đổi, các nhà đầu tư nước ngoài còn giữ tỷ lệ trên 49% tại nhiều DN.

Nhưng theo giới phân tích nguyên nhân chính khiến việc niêm yết của các DN FDI bị chậm trễ và không còn nhiều hấp dẫn là vì niềm tin của thị trường vào các DN FDI đã bắt đầu sụt giảm. Việc những cổ phiếu FDI từng được săn đón như SBV (của CTCP Siam Brothers Việt Nam), EVE (của CTCP Everpia Việt Nam), CYC (CTCP Gạch men Chang Yih)… liên tiếp sụt giảm và sa lầy vào các “nghi án” liên quan đến thủ thuật chuyển giá đã khiến thị trường giao dịch trở nên dè dặt.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh của các DN FDI niêm yết phụ thuộc quá lớn vào các đối tác nước ngoài (chẳng hạn 76% doanh thu của CTCP Seoul Metal Việt Nam - SMV đến từ Samsung; 70% doanh thu của CTCP Everpia Việt Nam - EVE đến từ các công ty Hàn Quốc…) cũng khiến nhà đầu tư e ngại, đặt dấu hỏi về sự minh bạch trong các thông tin tài chính, thậm chí lo ngại có hiện tượng DN FDI lợi dụng thị trường chứng khoán để chiếm dụng vốn của nhà đầu tư.

Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam (thực hiện năm 2018) cũng thừa nhận điều này khi cho rằng tỷ lệ minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN FDI tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong các loại hình DN của nền kinh tế, chỉ đạt trung bình 32%. Một số DN FDI lớn như Big C, Zuellig, Pharma Vietnam, Olam Vietnam… thậm chí điểm số minh bạch chỉ ở mức 0% - là mức hầu như không có thông tin gì cho nhà đầu tư tham khảo.

Chờ đón diện mạo FDI thế hệ mới

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp bàn với các bộ, ngành liên quan để thống nhất trình Chính phủ quy định pháp lý cho các DN FDI lên niêm yết. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán nhà nước để thống nhất đề xuất sửa đổi các luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trong đó có câu chuyện về việc khó khăn pháp lý cho khối DN FDI lên sàn. Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước thông tin rằng, nếu thuận lợi thì trong quý III/2019 các quy định pháp lý hướng dẫn khối DN FDI niêm yết sẽ cơ bản được xác lập.

Trong khi chờ đợi các quy định pháp lý, ghi nhận từ thị trường cho thấy đến hiện tại đã có hàng loạt các DN FDI “thế hệ mới” hoàn tất những thủ tục cuối cùng để chính thức chào sàn. Theo đó, hiện nay các DN lớn như Seoul Metal Việt Nam (vốn điều lệ 160 tỷ đồng), CTCP Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam (tổng vốn điều lệ 268 tỷ đồng), CTCP Samchem Quả Cầu (120 tỷ đồng)… đã hoàn tất các thủ tục để sẵn sàng niêm yết trên sàn HoSE. Một số DN FDI có đóng góp lớn trong lĩnh vực hạ tầng đô thị (như Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng) cũng đã rục rịch hoàn thiện các pháp lý để chính thức chuyển đổi mô hình, chào bán cổ phiếu.

Ở góc độ minh bạch thông tin, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay bộ này đã bắt đầu triển khai dự án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đối với các loại hình DN tại Việt Nam. Trong các năm 2022-2025, khi hệ thống các chuẩn mực này được hoàn thiện, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước sẽ được chọn để thí điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất theo tiêu chuẩn IFRS.

Riêng đối với các DN FDI, Bộ Tài chính sẽ khuyến khích các công ty tự nguyện áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính riêng của mình nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế và các cơ quan quản lý, giám sát về tài chính.

Từ phía các DN FDI chuẩn bị niêm yết, đại diện Fortress Tools tại Việt Nam cho rằng, hiện nay các DN FDI thế hệ mới đến từ các thị trường phát triển như: Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và châu Âu đang có nhu cầu niêm yết lớn tại thị trường Việt Nam để cạnh tranh lọt vào danh sách nhóm cổ phiếu quy mô vốn hóa trung bình (mid-caps).

Vì thế trong thời điểm này, nếu Chính phủ và Bộ Tài chính có thể nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ các DN FDI niêm yết thì sẽ tranh thủ phát triển mạnh được thị trường vốn chuyên nghiệp trong các năm thay vì chỉ tập trung thu hút FDI thuần túy vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ như hiện nay.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến