Dòng sự kiện:
Thanh Hóa báo cáo thiệt hại khủng sau bão: Trước sau bất nhất
21/09/2017 12:15:03
Thanh Hóa đã báo cáo thiệt hại do bão lên tới 1000 tỷ đồng, riêng một huyện đã báo hơn 900 tỷ đồng. Điều này gây nhiều tranh cãi trái chiều trong luận, liệu thực tế mức độ thiệt hại có khủng như những con số?

Báo cáo thiệt hại: "Ông nói gà, bà nói vịt"

Cơn bão số 10 hay còn gọi là Doksuri được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua. Cơn bão đã đổ bộ vào các tỉnh miền trung vào ngày 15/9. Sau bão đi qua, nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề, các tỉnh vùng tâm bão như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An đều đưa ra con số báo cáo thiệt hại khủng.  

Riêng Thanh Hóa là tỉnh nằm ngoài tâm bão, tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, con số thiệt hại ước tính lên tới 1000 tỷ đồng.

Con số thực sự khiến dư luận choáng váng và đặt ra nhiều câu hỏi, tại sao Thanh Hóa không nằm trong tâm bão mà mức độ thiệt hại lại khủng khiếp nhường ấy, thậm chí còn chịu thiệt hại nặng nề hơn cả tỉnh Nghệ An - nằm trong vùng tâm bão (với ước tính thiệt hại khoảng 800 tỷ). 

 

Chất lượng thực tế của đê kè chắn sóng ven biển Hải Tiến cùng các công trình phụ trợ liệu đã xứng tầm với mức giá 437 tỷ đồng

Đặc biệt, chính những lãnh đạo ngành chức năng tỉnh này, ông Đặng Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cũng không chắc chắn về mức độ thiệt hại của địa phương khi có những phát biểu đầy mâu thuẫn.

Sau bản báo cáo thiệt hại 1000 tỷ gây ra nhiều tranh cãi trước đó, trả lời báo chí ông Dũng đính chính: “Đây mới chỉ là con số thống kê chưa chính xác, cho tới thời điểm này, 1000 tỷ mới chỉ là ước tính. Hiện, đơn vị vẫn đang đợi báo cáo mới nhất từ các huyện gửi về để tổng hợp, thống kê lại”.

Riêng huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), một huyện vùng ven biển cũng được cho là chịu sức tàn phá nặng nề của cơn bão số 10, dù cho bão không trực tiếp đổ bộ. Điều đáng nói, con số thiệt hại của huyện này cũng trước sau bất nhất. Trong bản báo cáo nhanh số 215/BC – UBND (cung cấp cho phóng viên ngày 18/9), tổng thiệt hại được kê khai là 897 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 18/9, ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho rằng: “Chỉ nghe con số thống kê thì không ai tin, cho rằng Hoằng Hóa không phải là vùng tâm bão, tại sao lại bị thiệt hại lớn. Hiện trạng vẫn còn nguyên đó, không tin mời các em đi thực tế thì rõ. Những báo cáo thiệt hại này dù là tôi ký hay đồng chí phó chủ tịch kí thì cũng hoàn toàn chính xác, chẳng ai kê thêm làm gì”.

Tuy nhiên, trong một bản báo cáo khác của huyện Hoằng Hóa cũng số 215/BC – UBND đề ngày 18/9 lại được kê khai với con số 937 tỷ đồng.

Vậy đâu mới là con số thiệt hại chính xác của huyện này?

Những con số gây tranh cãi

Hoằng Hóa là một huyện miền biển, những thiệt hại liên quan đến các công trình hạ tầng ven biển là có thật, cũng không thể phủ nhận những thiệt hại về nuôi trồng thủy sản của địa phương này khi có những hộ dân nuôi tôm mất trắng cả tỉ đồng do nước biển dâng cuốn sạch cả đồng tôm. Tuy nhiên, thực tế, mức độ thiệt hại như thế nào lại là chuyện khác.

 
Dù là con số 897 tỷ hay 937 tỷ thì cũng hoàn toàn không thuyết phục

Tại huyện Hoằng Hóa, những địa phương được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 10 là xã Hoằng Phụ, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Trường. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Hoằng Tiến, không có diện tích nuôi trồng thủy sản, hoa màu không đáng kể, chủ yếu thiệt hại các công trình ven biển Hải Tiến, địa phương này cũng kê khai tổng thiệt hại ước tính hơn 15 tỷ đồng.

Tiếp đó, tại xã Hoằng Phụ, xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện với hơn 300 ha đồng tôm. Tuy nhiên, chỉ có 6 hộ dân bị mất trắng tôm khi triều cường dâng với tổng diện tích thiệt hại là 6,1 ha, giá trị ước tính 12,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: “Chủ yếu thiệt hại của xã là về nuôi trồng thủy sản, có 6 hộ dân bị mất trắng. Về hoa màu thì không ảnh hưởng vì bà con nhanh chóng tháo nước, không để ngập úng, bên cạnh đó, nhiều diện tích được thu hoạch trước bão. Tổng thiệt hại ước tính của địa phương là hơn 19 tỷ đồng”.

 
Tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) chỉ có 6,1 ha nuôi tôm bị mất trắng, giá trị thiệt hại
chừng 12 tỷ đồng

Xã Hoằng Thanh cũng được đánh giá là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 10. Tuy nhiên, trả lời báo chí, các vị lãnh đạo xã này lại tỏ ra bối rối khi không nắm được con số thiệt hại ước tính của địa phương mình. 

Ông Cao Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh khéo léo từ chối làm việc khi được hỏi về báo cáo thiệt hại chính thức. Chỉ trả lời qua loa rằng: “Thiệt hại khoảng vài trăm tỉ”.

Trong khi đó, ông Trương Văn Tân, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh cung cấp cho phóng viên một bản kê khai sơ sài được cho là báo cáo thiệt hại của địa phương do bão số 10 gây ra. Bản báo cáo không hề thể hiện con số thiệt hại cụ thể. Điều đáng nói, xã này chỉ có 1,5 diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng với ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Tân cho hay: “Đây là bản báo cáo thiệt hại của xã đã gửi lên huyện”. Cũng tỏ ra đầy ấp úng:  “Ngoài thiệt hại về nuôi trồng thủy sản thì còn có các công trình ven biển, hoa màu khác, tổng thiệt hại khoảng vài tỷ”, ông Tân nói.

Tiếp đó, theo tìm hiểu, tại xã Hoằng Trường, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, cụ thể là tôm chỉ khoảng hơn 10 ha, thiệt hại thì lại không đáng kể, ngay cả hoa màu cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, còn các xã khác không có diện tích nuôi trồng thủy sản, hoặc có nhưng rất ít, không ảnh hưởng nhiều bởi bão số 10.

Quay ngược lại so sánh với báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa, liên quan đến nuôi trồng thủy sản, huyện này nêu có 110.000 m3 hệ thống đê bao nuôi trồng thủy sản, bến cá xã Hoằng Thanh bị cuốn trôi, đồng nuôi trồng bị thiệt hại nặng nề với tổng diện tích 1.212 ha. Tổng thiệt hại riêng về nuôi trồng thủy sản lên tới 499,4 tỷ đồng.

Con số này dường như vô lý khi tính sơ bộ tổng thiệt hại của các xã được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện còn chưa đến 20 tỷ hoặc lấy tổng thiệt hại trong tất cả các lĩnh vực theo báo cáo tổng thể của các xã gộp lại cũng chưa tới 40 tỷ.

Còn chưa kể những con số thiệt hại liên quan đến các công trình hạ tầng ven biển Hải Tiến như: 4,5 km đường bê tông và bờ kè chắn sóng cùng các công trình phụ trợ liên quan như cây xanh, bóng chiếu sáng, tuyến đê điều bị phá hủy cũng được huyện này quy ra giá trị thiệt hại tới 437,7 tỷ đồng. Trong khi, theo quan sát và nhận định của nhiều người, giá trị thực của các công trình này chưa xứng tầm khi hệ thống đê kè khi bị vỡ nát lộ ra chỉ có đá, sỏi, xi măng mà không hề có cốt thép vững chắc.

 Lương Diễn
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến